Thứ Năm, 24 tháng 9, 2009

NGƯỜI CŨ, TRƯỜNG XƯA . . .

NHẮN GỞI

Mai bạn về thăm quê cũ
Cho ta gửi trọn nỗi lòng
Và rồi thêm gì nữa nhỉ
Dường như chỉ những hoài mong

Từ độ xa quê chiều hôm ấy
Trong ta thường khắc khoải khôn nguôi
Bao đêm ngổn ngang loay hoay mãi
Lặng thầm theo mỗi áng mây trôi

Ly rượu vơi đầy sao nhạt thếch
Bao giờ mới cạn sầu tha hương
Để ta rủ sạch bụi viễn khách
Dốc ngược cho khô đáy hồ trường

Đêm này quê người như lạnh quá
Khẻ ép mẩu gió vào tim hoang
Không nghe chút hương thừa nồng ấm
Ta gọi ta thảng thốt bàng hoàng

Bạn về thưa dùm lời khất hẹn
Rằng ta vẫn nhớ nợ quê xưa
Canh cánh bên lòng luôn thao thức
Đau đáu mãi thôi biết sao vừa

Không quân Ngọc Tự

ĐI THĂM LIBRARY HUNTINGTON



THƠ . . . THƠ . . . THƠ . . . HỒNG PHƯỢNG

Suối Kiết

Suối đợi chờ ai đây
U uẩn buổi chiều nay
Ôm nỗi buồn sâu kín
Im lặng giữa hàng cây
Không một tiếng thở dài
Im ắng chiều tê dại
Êm đềm hoàng hôn xuống
Tình tưởng đã nhạt phai !

Hồng Phượng

Hoa cánh mỏng mong manh
Ôi sắc màu tươi thắm
Như tim hồng rực lửa
Gợi nhớ thời xa xăm…
Phong thơ nào dấu kín
Hờ hững theo tháng ngày
Ươm tình dưới hàng cây
Ơi người yêu bé bỏng
Nâng niu gót chân hồng
Giờ chỉ còn hư không.

Chí Hương

Chỉ một lần khoe sắc
Hoa không giữ được màu
Ít ra cũng có lần
Hương hoa theo chiều gió
Ùa vào tận tim anh
Ơi người yêu trong mộng
Nào có biết hay không
Giông tố dậy sóng lòng !

Thưởng

Tên tưởng chừng mạnh mẽ
Hóa ra thật yếu mềm !
Ước gì anh cận kề
Ơi chiều buồn lê thê
Người một cõi đi về
Gọi đời đến mỏi mê !


Thanh Tài

Thương em đời lận đận
Hồng nhan lắm gian truân
Anh yêu em chẳng quản
Năm tháng trôi ngập ngừng
Hao gầy phận má hồng
Tim em giờ trống vắng
Ai người em say đắm
Ít nhiều em bâng khuâng ?

Thành Đạt

Tuổi lục tuần đến với đời
Hỉ nộ ái ố đã thôi không còn
Ảo ảnh mọt thời vàng son
Nào ai tiếc nuối héo hon xuân thì
Hỡi tình yêu, chỉ ta đi
Về miền hạnh phúc, biệt ly xa vời
TA bên em suốt một đời,
Thương nhau trọn kiếp chớ rời nghe em!

Thu Minh

Tên em thật trong sáng
Hoài niệm những ngày vàng
U tối chừng quên lãng
Mùi hương ngọc lan đêm
Ít thôi nhưng êm đềm
Nhẹ nhàng và thoang thoảng
Hoa tình yêu vừa sang

Ngọc Lan

Này em thân yêu ơi
Ghé lại một lần thôi
Ôi nồng buổi trưa vắng
Chút tình xưa xanh xao
Lận đận và lao đao
Ao ước một ngày vui
Ngày có em an ủi !


Như Mai

Ngày em còn đi học
Hay thơ thẩn đường chiều
Ước thương yêu thật nhiều
Mai vàng rộ mấy bữa
Ai dìu em đi giữa
Im mát những hàng cây ?


Khi nào em trở lại đây
Ít nhiều anh biết để xây mộng tình
Mai sau dẫu có một mình
Cho dù tình có lặng thinh cũng đành
Hai ta cách trở sông Gianh
Yêu nhau không trọn, xin đành kiếp sau !

Hải Định

Hai vai chở nặng nợ đời
Áo xưa nay đã một thời gió sương
Im nghe trống điểm canh trường
Đâu đây có tiếng người thương vọng về
In hình năm cánh sao Khuê
Như tình em đấy lỗi thề cùng anh
(Thơ . . Hồng Phượng)

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2009

CẢNH DỬ & GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH

Cảnh dử nhân câu khứ
Cảnh quy nhân vị quy
Vô phục Hằng Nga ảnh
Không lưu minh nguyệt huy!
(Tích Công chúa Lạc Xương & Phò Mã Đức Ngôn)


Nửa mảnh gương thề theo bóng ai
Nửa gương quay lại vắng hình hài
Hằng Nga soi bóng hề chẳng thấy
Chỉ thấy trăng treo bóng nguyệt đài!
(Tích chuyện Gương vỡ lại lành)
Thiên Thanh

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2009

VĂN TẾ


….Hỡi ơi!

Vận nước điêu linh, sông buồn núi thảm,
Cơ trời ảm đạm, đất lạnh người sầu!
Mấy cuộc bể dâu , rầu rầu ly loạn,
Bao lằn tên đạn, lớp lớp xung phong…
Vị quốc thân vong, anh hùng tử sĩ !
Nghìn thu vạn kỷ,
Tổ Quốc ghi danh,
Hồn phách hiển linh, về đây chứng giám…

Nhớ những linh xưa…bao mùa ly loạn,
Gối đất nằm sương…Chiến trường u hiểm !
Đánh giặc ngày đêm, giữ gìn non biển,
Giữ gìn từng tấc đất ông cha,Chính các anh…
những người lính Cộng Hòa…
Đem máu đỏ thắm tô cờ Tổ Quốc !
Chính các anh…
Xuất thân từ những nhà nông, tay cày tay cuốc…
Hoặc thư sinh vừa rời ghế học đường !
Đấng trượng phu… chí tại bốn phương,
Câu hồ thỉ…tung hê cho thỏa !
Rồi một sáng đầu Xuân, hay một chiều cuối Hạ,
Lòng quyết lòng…lo trả nợ nam nhi,
“ Giã nhà mang lấy chiến y,
Súng cầm tay…quyết một đi diệt thù !”
Các chị nữa…thân liễu bồ mảnh dẻ,
Nước lầm than…hồ dễ làm ngơ?
Cùng chung sống dưới màu cờ,
Gái trai đều phải chung lo diệt thù !
Ôi ! Chiến trận, mịt mù lữa khói,
Pháo từng bầy,may rủi đường tơ!
“ Phải đành xác bọc poncho,
Phải đành vùi dưới nấm mồ…rừng sâu?”
Nhớ những linh xưa…nhìn đất não trời sầu
Tháng Tư đó…ôi miền Nam sụp đổ…
Chính các anh…dù trong mạt lộ…
Vẫn bền gan…chiến đấu đến tàn hơi…
Nhớ những linh xưa…hồn dũng tướng sáng ngời…
Nào những: Nguyễn Khoa Nam. Phạm Văn Phú,
Lê Văn Hưng,Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ…
Thà tự sát để giữ tròn danh tiết…
Và còn nữa …những oan hồn thê thiết,
Chết trong tù cải tạo lắm tang thương !
Hay chết giữa rừng sâu, chết vượt biển tìm đường,
Ôi cái giá tự do…phải trả bằng trăm điều oan nghiệt,
Ôi càng nghĩ…lòng đau thương thống thiết…
Giặc Đỏ chiếm miền Nam, đào xới mả mồ !
Khinh Phật Trời, theo ngụy thuyết Tam Vô,
Trả thù cả với xương người Tử Sĩ !
Dâng Đất Biển Rồng Tiên…cho Tàu Đỏ Bắc Phương !
“Ải Nam Quan !
Ôi Ải Nam Quan !Bán rồi ! Đứt ruột !
Dân Nam lệ nhòa !”
Đất biển đó, Ông Cha tạo dựng,
Bốn ngàn năm…giữ vững giang sơn !
“ Giờ đây đất biển căm hờn…
Vì quân Hồ Cộng, bán hồn Tổ Tiên !”

Hởi Tử Sĩ ! …Hồn linh thiêng có biết ?
Nơi xứ người thê thiết phận tàn binh !
Chúng tôi đây, giờ bóng đã xế mành…
Từng bật khóc nhiều phen…cho cơ đồ bị mất,
Từng bật khóc nhiều phen…nhớ bao người đã khuất…
Mà hồn vật vờ, phách cũng tang thương !
Xin hãy về đây trong màu khói trầm hương…
Kìa…hồn linh hiển…như chập chờn hiển hiện,
Cùng với chúng tôi…
Những người lính già tạm cư đời dâu biển,
Rũ chinh y…buồn với cuộc phong ba !
Ta cùng nhau thông cảm lệ nhòa,
Chia xẻ nỗi đắng cay… nhiều tủi nhục !…

Hồn hỡi hồn ơi !…Thôi thì thôi…dòng đời luôn có khúc,
Khi gập ghềnh, khi bình lặng, lúc gian truân,
Miễn kẻ còn đây, với kẻ chết chẳng chia phân….
Cùng hoà nhập theo mối thù vong quốc !
Tin tưởng một ngày mai, xoay chiều thế cuộc,
Chính nghĩa thắng hung tàn…Xin hồn hãy an tâm !…
Rượu thịt nơi đây…tuy cũng nhuốm phong trần,
Vì xứ khác, khác vị mùi của quê ta đó !
Nhưng với tấm lòng thành, người cùng chung đất Tổ,
Tưởng niệm người vị quốc vong thân !
Hãy về đây…theo khói tỏa hương trầm…
Xin thượng hưởng ! Hồn ơi xin thượng hưởng ! !

NHẬT-HỒNG

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2009

Bao lần bặt tín vô âm!
Phòng the lạnh lẽo chẳng nồng hơi xuân
Quỳnh dao khô héo,đài rêu mọc
Bụi bám,màn treo luống lạnh lùng!!


Chinh phụ ca,chồng đi lính thú biên cương

Hà kỳ nhứt khứ âm tín đoạn
ý thiếp bình vi xuân bất noãn
Qùynh diêu giai hạ bích đài không
san hô trướng lý hồng trần mãn!

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2009

NỢ TÌNH

Có lẽ ta nợ nhau kiếp trước
Nên bây giờ tim vẫn miên man
Tóc đã bạc tình còn lảng đảng
Giấc không yên, mộng vẫn không thành

Dù găp lại, đành lòng thôi vậy
Tình vẫn như bóng vỡ trên tay
Sao ta mãi làm người ngậm ngãi
Đi tìm trầm lạc lối bao năm...

Em vẫn vậy, nghìn xưa vẫn vậy
Dốc đoạn trường, Ta đã đi qua
Bờ quạnh hiu, Em vẫn nhìn xa
Chân sỏi đá, chưa mòn gót đỏ !

Chút kiêu ngạo thêm phần bướng bỉnh
Chỉ làm ai sỏi mềm chân cứng
Thôi ta đứng bên này bờ vực
Nguyện làm thân gỗ đá bao dung !

Kim Chi

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2009

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2009

TÂM SỰ CỦA MỘT CỰU NỮ SINH VIÊN LUẬT KHOA SAIGON

Chỉ vài ngày sau khi Sài Gòn mất là hai người bạn ấy đến thăm tôi. Phan hoạt động nội thành, còn Trần thì từ bưng biền trở về.
Cả hai tiếp thu Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, và họ gặp em gái một người bạn thân của tôi lúc ấy hiện là Sinh Viên QGHC nên biết tôi đã di tản từ Đànẵng vào Sài Gòn, vì thế họ đã tìm đến thăm tôi.

Biết tôi vừa sinh cháu trai chỉ được mười mấy ngày nên hai người khi đến, đã cầm theo quà tặng là một hộp sữa bột. Tôi bấy giờ như một cái xác không hồn, lặng lẽ ngồi tiếp hai người khách bất ngờ với một “chiến tuyến” được phân định rõ rệt trong vô hình giữa chúng tôi, những kẻ đã từng một thuở là bạn của nhau! Tôi chua chát nghĩ thầm: “Hai người đến để nhìn cho thật rõ mặt kẻ thua cuộchôm nay là tôi đấy à!”
Nhớ ngày khi tôi vừa mới bước chân vào trường Luật Sài Gòn thì tất cả bọn họ đều là những học huynh của tôi, kẻ thấp nhất cũng học trên tôi một lớp. Có người năm thứ ba, và có kẻ đã cao học. Cả cái nhóm Ban Xã Hội Luật thuở ấy đã cùng nhau sinh hoạt thật là vui vẻ dễ thương.

Những buổi sáng đến trường khi trời còn tờ mờ nên vào giờ đổi lớp đầu tiên là chúng tôi gộp tiền nhau lại để một người trong nhóm chạy ra bưu điện mua bánh mì Hương Lan đem về rồi cùng nhau ăn sáng, cười đùa. Cuộc đời sinh viên của chúng tôi đã mở ra êm ả theo với “con đường Duy Tân cây dài bóng mát”, rộn rã những tình thân và những giấc mộng đời xanh ngát.

Trong nhóm, tôi thân nhất với hai anh Phan, Trần, và với Lâm. Lâm sau này đã rẽ bầy, quaQuốc Gia Hành Chánh. Hiện nay Lâm đang sinh sống ở Melbourne, Australia, và hiện đang là “the webmaster” của một website chống cộng rất cực đoan, kiểu chống Cộng gây nơm nớp lo âu cho những bạn bè quan tâm.

Khác với Lâm mà cuộc sống lúc bấy giờ có phần khó khăn, Phan và Trần đều là hai công tử con nhà giàu nhưng đã lao đầu vào những công tác xã hội một cách nhiệt tình và triệt để, khiến tôi lúc ấy vô cùng thán phục! Họ không giống như hầu hết các sinh viên thời thượng Sài Gòn thuở ấy, ngày Chủ Nhật là ra ngồi ngất ngưỡng ở Brodard, ở La Pagode, để tán hươu tán vượn và rửa mắt với phố xá dập dìu tài tử giai nhân, thụ hưởng thứ thanh bình xa xỉ trong lòng một đất nước đang lửa khói chiến tranh.

Hai thanh niên này đã cùng với dăm ba người bạn của họ lần mò vào những khu xóm nghèo nàn để dạy đọc, dạy viết chữ, và dạy những phương pháp giữ gìn vệ sinh căn bản cho các trẻ em sống ở đó. Ôi những trái tim nhân ái tràn đầy lý tưởng bao la trong ngưỡng mộ của tôi!

Cho đến một hôm thì thông cáo dán đầy trường Luật, tố cáo những tên sinh viên Cộng Sản đã ẩn núp trong Ban Xã Hội, trong ấy có Phan có Trần và một số các tên tuổi khác nữa! Tôi ngẩn ngơ để thấy rằng thì ra mình non nớt quá! Nhưng thật may, ngoài những công tác xã hội để phục vụ cho sinh viên lúc bấy giờ như liên lạc với Hợp Tác Xã Nguyễn Huệ để mua vải giá rẻ về bán cho sinh viên hay tham gia cùng với các trường bạn trong công tác quyên góp giúp đỡ các đồng bào bị thiên tai bão lụt thì tôi chưa hề bị họ lôi cuốn xa hơn vào những mục đích chính trị riêng tư của họ.

Dòng đời cứ thế đã trôi nhanh, đẩy đám bạn bè chúng tôi mỗi người lưu lạc một hướng! Tôi yên thân vào làm việc ở một ngân hàng lớn. Phan và Trần sau đó cũng phải khoác vào người bộ quân phục.

Một hôm Phan tìm đến thăm tôi, cho tôi biết Trần hiện đang sống ở Pleiku, không bị đưa đi tác chiến vì được một vị quan lớn giữ lại làm việc văn phòng để ngày ngày đến nhà dạy kèm cho các con của ông ta học. Còn Phan thì nhờ núp bóng cậu là một vị Đại Tá (cũng là cha nuôi anh ta từ ngày anh ta mồ côi cả bố lẫn mẹ) nên cũng được tạm yên thân. Bẵng đi một dạo, bỗng một hôm Phan lại đến tìm tôi để cho tôi biết rằng Trần đã trốn vào bưng! Phan nói: “Anh cũng muốn được như Trần nhưng anh không thể, vì anh không thể nào gây liên lụyđến cậu của anh!” Rồi Phan lại trầm ngâm bày tỏ thêm: “Anh bất lực và hèn quá phải không vì cứ phải cúi đầu nhẫy nhụa sống trong một xã hội quá thối tha và bất công!”

Tôi khẳng định lập trường của mình: “Em thì lựa chọn Tự Do nên không thắc mắc gì khác hơn nữa hết! Xã hội này thối tha và bất công nhưng chúng ta cũng vẫn còn có thể xuống đường để chống đối kia mà.”

Tôi chỉ bày tỏ ngần ấy, còn đối với lựa chọn của họ, tôi không có ý kiến. Vì họ đều là những thanh niên trí thức và có lý tưởng nên tôi không ngu dại mất thì giờ để thuyết phục họ.
Theo tôi thì tất cả mọi người hoàn toàn tự do trong chọn lựa của mình để đi con đường mà mình muốn đi.

Hôm ấy, sau ngày nước mất nhà tan 30 tháng 4 chỉ mấy hôm, hai vị học huynh này đến thăm tôi để ngầm cho tôi biết rằng tôi đã là kẻ thua cuộc trong chọn lựa năm xưa của tôi, hay nói rõ ràng và chính xác hơn, là kẻ chiến bại (?!) Con đường tôi đã chọn lựa và đã đi, tôi sẽ vẫn mãi mãi đi, không bao giờ rẽ lối hoặc đổi chiều đâu, các anh ạ! Gặp lại các anh chỉ để tôi càng khẳng định hơn là mãi mãi chúng ta không bao giờ có thể đứng cùng chung một chiến tuyến! Không bao giờ! Gia đình tôi thuộc hàng ngũ “đại ngụy” vì đã có đến bốn đấng nam nhi chi chí vác khăn gói cùng lên đường một lượt vào trại tập trung cải tạo .
Hai ông anh ruột, một ông anh họ mà ba má tôi đã nuôi nấng từ thuở nhỏ, và phu quân của tôi. Ở nhà thì ông em út còn học lớp 11 của chúng tôi lại nổi loạn theo đám bạn bè đi dán truyền đơn “chống cách mạng” để rồi cuối cùng cũng theo chân các anh của mình vào nằm đếm rệp trong nhà tù!

Thêm một năm trôi qua, niềm hy vọng vào một sự lật đổ và đổi thay đến từ những sức mạnh vạn năng hải ngoại đã mỏi mòn dần, nhưng đôi mắt của đại đa số những người dân miền Nam chúng tôi thì mỗi lúc đã một sáng hơn để không còn một ảo tưởng nào về thiên đường Cộng Sản nữa. Ngay đến cả những cây cột đèn vô tri trên đất nước chúng tôi cũng ước muốn được rời bỏ quê hương, vượt biên tìm tự do, không phải có người đã nói như thế hay sao!

Một hôm, bỗng dưng tôi tình cờ gặp lại Phan. Tôi đã không thể ngăn được mình, buột miệng hỏi anh: “Cho đến hôm nay, anh vẫn còn thấy rằng con đường anh đã lựa chọn là lý tưởng hay sao?” Phan thành thật trả lời: “Lý tưởng vì anh tưởng rằng có lý!” Lòng tôi đã chùng xuống trong một nổi cảm thương thay vì thù ghét bởi câu trả lời quá buồn bã, chua chát, và rồi chỉ nghe tội nghiệp cho một người đã một thuở nào trái tim mang đầy những mộng tưởng tốt đẹp. Anh ta chọn lầm con đường để đi, nhưng mộng tuởng của anh ta không sai trái. Công bằng để nói, cái xã hội mà trước đây chúng tôi đã sống quả thật cũng chả phải là một xã hội hoàn hảo gì. Xã hội ấy cũng đầy dẫy những bất công hiếp đáp, những cảnh con ông cháu cha bất tài vô tướng ăn trên ngồi trước, những mua quan bán tước, những lợi dụng chức quyền đến làm công phẫn lòng người! Phan mơ ước một chế độ công bằng hơn, tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người dân, và điều này tôi có thể hiểu được. Nhưng tại sao Phan lại nghĩ rằng một chế độ độc tài sắt máu như chế độ Cộng Sản có thể giúp thực hiện giấc mộng này cho dân tộc thì quả thật tôi không cách nào hiểu được, không cách nào!

Những ngày cuối còn ở Sài Gòn, tôi biết được rằng cả cái đám sinh viên Luật thiên tả ấy đang được đào tạo lại trong lớp pháp lý Cộng Sản để trở thành những viên chức hành chánh hay pháp luật thực thụ của chế độ vì đã bắt đầu bước qua giai đoạn mà đảng Cộng Sản Việt Nam phải sử dụng đến những người trí thức trong guồng máy của họ khi họ bắt buộc phải mở rộng cánh cửa ngoại thương để bước ra khỏi sự nghèo đói và lạc hậu..

Từ trại tị nạn Pulau Bidong, 3 mẹ con tôi đã được Canada tiếp nhận cho định cư, và hè năm 1999 tôi đã theo con gái tôi về Việt Nam để giúp cháu làm cái “tour package” của hãng “Premiere Tours” mà Việt Nam là một trong những địa điểm du lịch của “tour” này. Bạn tôi là Hoàng cứ khăng khăng bắt tôi phải đến gặp đám bạn cũ ở trường Luật ngày xưa:
- “Chị phải đến thăm họ với H. rồi mới biết! Các anh ấy vẫn quý chị lắm mà, để H. phone cho họ.”
Sự gặp gỡ thăm viếng này đều do một bàn tay sắp đặt của bạn tôi, và hai mẹ con tôi chỉ việc theo đuôi nàng mà thôi.
Theo mệnh lệnh của Hoàng, chiếc taxi dừng lại trước một ngôi biệt thự kín cổng cao tường để cho 3 người chúng tôi bước xuống.

Cái cổng sắt cao nghệu đến tôi không thể nào với tay qua được. Hoàng bấm chuông, và có gia nhân ra mở cửa. Trần và mấy người bạn nữa nghe tiếng chuông, cũng đang từ trong ngôi biệt thự to lớn, tươi cười bước về phía chúng tôi. Cánh cổng ngôi biệt thự vừa được mở ra là con gái tôi đã thảng thốt:

- “Eo ôi, nhà bạn của mẹ sao mà nguy nga và đẹp kinh khủng thế này!” Ấy là cháu đang sống ở Canada và đã được trông thấy bao nhiêu là nhà cửa to lớn đẹp đẽ nơi đây rồi! Trước khi đến được ngôi nhà lớn, chúng tôi phải đi qua một khu vườn mênh mông có hồ nuôi cá sấu, hồ sen, hồ súng, và các loại cây kiểngđược cắt xén tỉ mỉ thành hình chim công, chim phượng, cò, voi, thỏ, ngựa, vv….và vv…… Giữa khu vườn là ngôi nhà nghỉ mát hình bát giác với rất nhiều những hòn non bộ quanh đó.

Quan sát tỉ mỉ khu vườn này một vòng, tôi hỏi Trần liền: “Anh làm sao có thể tự tay chăm sóc mấy con cá sấu và cắt tỉa các cây kiểng này chứ?” Trần cười: “Phải thuê người chăm sóc chứ!” Tôi nói: “Chắc tốn tiền bộn lắm!” Trần trả lời tỉnh bơ: “Mỗi tháng khoảng 1 cây vàng mà thôi!” “Chỉ một cây vàng thôi!”, trái tim tôi bỗng dưng nhói thắt lại!

Tôi nhớ đến bác xích-lô mà ngày mới về, hai mẹ con tôi đã gặp ở chợ Bà Chiểu, và từ đó sáng sớm tinh mơ nào bác ta cũng đến đậu xe ngay trước cổng nhà chúng tôi đang tạm ở.
Chuyện trò hỏi han bác thì chúng tôi được biết mỗi ngày nếu may mắn, bác có thể kiếm được khoảng 1, 2 đô la Mỹ để đổi gạo cho gia đình. Có ngày không kiếm được một mối nào hết, bác phải vác xevề không, vì bây giờ các con đường mà xe xích-lô có thể chạy được bị giới hạn lắm nên ít du khách muốn đi xích-lô. Xích-lô chạy chậm, lại phải chạy lòng vòng trong trời nắng như thiêu như đốt và trong cả bụi bặm ô nhiễm của thành phố Sài Gòn, vì thế khó mời mọc được du khách! Mẹ con chúng tôi vì lòng “không nỡ” nên từ đó mỗi ngày đều phải ngồi xích-lô của bác để giúp, khiến mỗi buổi tối khi về đến nhà và lau mặt thì chiếc khăn mặt của cả hai đều đen như lọ nghẹ bởi khói xe Sài Gòn, còn da dẻ thì nước da trắng trẻo ngày mới về đã trở thành làn da rám nắng màu bánh mật! Vô vàn cảnh nghèo đói rất đổi thương tâm nữa được gặp ở ngay trong lòng thành phố Sài Gòn lộng lẫy mà tôi không thể nào kể xiết!

Bước vào bên trong nhà, sự sang trọng của giai cấp “quý tộc mới” này còn được trông thấy rõ ràng hơn với vô số đồ gỗ và các đồ vật quý giá được chưng bày khắp mọi nơi. Bắt đầu cuộc trò chuyện là tôi đã không ngăn được tôi phải mở miệng nói liền tức thì: “Nghe mấy bác xích-lô than thở mà tội quá, mỗi ngày lợi tức 1 đồng đô-la Mỹ có khi cũng không kiếm được thì làm sao có thể sống!” Trần trả lời ngay, cười cợt, dửng dưng: “Ồ, xạo đó, có khi họ kiếm được bộn lắm!” “Ba xạo? Bộn lắm là bao nhiêu hở? Có được 1 cây vàng như con số mà hàng tháng anh phải bỏ ra để nuôi cá sấu và chăm sóc cây kiểng hay không?”, tôi tự hỏi thầm trong nổi phẫn nộ đến lùng bùng tai óc! Nếu kẻ dửng dưng nói ra lời này chỉ là một tên VC tôi không quen không biết thì tôi cũng chẳng thèm lý đến để có cái phản ứng giận dữ ấy vì với tôi: “Cái lũ đó, chúng là như thế mà!” Nhưng đây là vị học huynh mà tôi đã từng ngưỡng mộ. Vị học huynh khao khát công bằng xã hội và cơm ăn áo mặc cho dân tộc của anh ta. Vị học huynh đã từng hy sinh những ngày Chúa Nhật ngồi Brodard, Pagode, lặn lội vào những khu xóm nghèo nàn để lau tay, rửa mặt, để dạy đọc dạy viết cho những trẻ em lem luốc rách rưới không đủ điều kiện đến trường. Không phải là phẫn nộ mà là một nổi đớn đau thất vọng gần như là tuyệt vọng trong tôi! Một chế độ tham tàn đến như thế nào mà đã biến được người sinh viên quá trong sáng quá lý tưởng năm xưa trở thành một kẻ hoàn toàn không còn chút nhân tính hiện đang ngồi trước mặt tôi đây (???!!!)

Buổi tiệc chào đón tôi đã được bày biện trong căn nhà nghỉ mát hình bát giác (giống như lầu uống rượu ngắm trăng của các vị đại phú gia hay vua chúa Trung Hoa thời cổ xưa) với những món ăn đặc biệt và đắt tiền được nhà hàng đem tới. Bạn bè ngày xưa khá đông, trong số ấy dĩ nhiên có cả anh Phan. Nhưng cũng có dăm ba người lạ mặt với tôi mà tôi đoán là những kẻ đến để nịnh bợ chủ nhân lúc đó đang là một vị Giám Đốc Công Ty Xuất Nhập Khẩu TP HCM.

Tôi ngồi vào bàn và chỉ ăn uống lấy lệ vì không còn một chút hứng thú, điên tiết bởi câu bợ đỡ thối tha từ miệng ông thầy dạy Anh Văn của Trần khi tự cho rằng ông ta “đi Mỹ chỉ để làm một thứ ăn mày Mỹ mà thôi!” “Biết mình đi Mỹ chỉ để làm một thứ ăn mày mà vẫn đi thì đúng là một kẻ sĩ vô liêm sĩ!”, tôi búa liền một búa!

Buổi tiệc hội ngộ từ giây phút ấy nặng nề mùi thuốc nổ từ vị khách quý được ưu ái mời đến là tôi, khiến mọi người yên lặng như tờ. Tôi cũng mong có người đứng dậy ra về để đứng dậy theo, nói lời cám ơn và giã biệt gia chủ cho thật nhanh.

Cũng trong chuyến về Việt Nam rất ngắn ngủi này, tôi đã có cơ hội hơn những kẻ về thăm quê hương khác, được chứng kiến hoạt cảnh “tham nhũng tiếp nối tham nhũng!”
Hoàng không biết đã vô tình hay cố ý, đưa tôi đến nhà một vị luật sư tên tuổi của Sài Gòn ngay sau vụ án xử tử hình nhiều tay đầu sỏ tham nhũng của chế độ. Tôi ngồi đó để nhìn kẻ ra người vào lũ lượt suốt một ngày, mặc cả với vị “luật sư trung gian” về giá cả để án tử hình sẽ được giảm thành án chung thân, án chung thân thành án 30 năm, vv….và vv…., khi họ chống án.

Tôi ngồi để nghe họ mặc cả 300, 400, 500 cây vàng như chỉ đang nói đến 300, 400, 500 cây kẹo hay cây tăm thôi mà lạnh gáy! Giai cấp tham nhũng này bị triệt tiêu chỉ để nuôi béo bở hơn một giai cấp tham nhũng khác mà thôi!

Thật tội nghiệp cho đại đa số những người dân lao động Việt Nam lương thiện, dù quần quật đổ mồ hôi hay cả máu nữa, cũng vẫn không thể kiếm đủ cơm ăn áo mặc!
Đó là kết quả sự chọn lựa của các học huynh tôi! Một Phan rồi chỉ biết thụ động cúi đầu sống cho hết kiếp với sự chọn lựa sai lầm của mình, dù trong lòng có lắm chua chát và ít nhiều hối hận: ”Lý tưởng vì tưởng mình có lý!”

Trần thì đã hoàn toàn thả trôi lương tri và mộng tưởng của anh ta theo với cái chế độ tham tàn để cùng quay khít khao một nhịp với cái guồng máy mà chắc chắn rồi một ngày cũng sẽ nghiến nát anh ta ra thành tro bụi mà thôi!

Lại có một kẻ trăn trở chống chỏi trong chọn lựa để rồi cuối cùng đã phải buông tay ra đi trong tận cùng của tuyệt vọng! Vĩnh Thọ là một phi công A-37 thuộc phi đoàn 524 tại căn cứ không quân Nha Trang.
Anh đã thụ huấn ở Mỹ và trở về nước tháng 10/1968 với Cấp bậc Trung Úy. Trong một phi vụ bay huấn luyện đêm để duy trì khả năng và tái xác định hành quân bằng phi cơ A-37 thì không biết vì lý do gì, máy bay vừa cất cánh là bị rớt ở cuối phi đạo gần bờ biển.
Thoát chết nhưng Vĩnh Thọ đã bị phỏng rất nặng ở đôi tay, khiến gân ở hai tay anh bị rút lại và gân các ngón tay cũng rút thành tật.
Vì vậy mà từ đó, vị phi công A-37 này đã không thể tiếp tục nghiệp bay được nữa. Nhưng sau cái tai nạn máy bay A-37 bị rớt ngay tại bờ biển, đãnổi lên khắp mọi nơi ở Nha Trang quá nhiều những lời đồn đãi như những huyền thoại về vị phi công này: “Vĩnh Thọ là VC nằm vùng. Mỗi lần mang bom đạn đi hành quân thì Vĩnh Thọ thả bom lên quân bạn hoặc mang bom đi thả tầm bậy tầm bạ chứ không thả vào mục tiêu được phòng hành quân chỉ định, vv….và vv….”

Về chuyện Vĩnh Thọ có đích thực là VC nằm vùng hay không thì rồi từ từ chúng ta sẽ có nhận định chính chắn. Còn vấn đề cố ý thả bom ngoài mục tiêu chỉ định thì mới gần đây thôi, qua sự tìm hiểu với một người quen là một cựu Thiếu Tá Phi Công A-37 cũng cùng phi đoàn với Vĩnh Thọ ngày xưa, anh NVD hiện đang định cư tại Australia, tôi được biết một cách khẳng định rằng chuyện này tuyệt đối không thể nào!
Theo anh NVD cho biết thì mỗi chiếc khu trục cơ khi đi hành quân chỉ có 1 pilot.. Nhưng không bao giờ hành quân một chiếc đơn lẽ mà luôn luôn đi hợp đoàn tối thiểu là 2 chiếc, thường thì 3 chiếc. Lúc ấy Vĩnh Thọ chỉ là một “Phi tuần viên” phải bay theo sự hướng dẫn của “Phi tuần trưởng” thì làm sao anh ta có thể tách hợp đoàn để đi thả bom tầm bậy tầm bạ được chứ (???!!!) Anh NVD còn nói thêm: “Dẫn một hợp đoàn đi hành quân, vị Phi tuần trưởng để yên cho ai muốn làm gì thì làm à? Sau khi hoàn tất bất kỳ một phi vụ hành quân nào, nhiệm vụ của Phi tuần trưởng khi về đáp là phải báo cáo rõ ràng cho phòng hành quân : Phi vụ lệnh số mấy? Call sign là gì? Hợp đoàn bao nhiêu chiếc? Mang bom đạn loại gì? Toạ độ mục tiêu chỉ định là gìvà ở đâu? Bom đạn thật sự đánh ở tọa độ nào, cách quân bạn bao xa (nếu có)…vv…và vv… Tôi là một Phi tuần trưởng trước khi Vĩnh Thọ được bổ nhiệm về PĐ 524.”

Sau khi anh Vĩnh Thọ không còn bay nữa thì thỉnh thoảng mỗi lần Ba tôi về Nha Trang nghỉ ngơi để viết lách và soạn bài vở cho khoá giảng tới, tôi vẫn thấy anh Thọ đến nhà đàm đạo học hỏi thêm với ông. Ba tôi vẫn khen anh Vĩnh Thọ thông minh và là người chịu khó đọc sách, khá có kiến thức.
Nhưng ông lại lắc đầu: “Tiếc là hắn đang đắm chìm trong thiên đường ảo tưởng bằng pha lê của hắn!”
Những lời đồn đãi nào rồi cũng phải lắng dịu xuống theo với thời gian. Về sau tôi không còn sống ở Nhatrang nữa, và anh chị em gia đình tôi cũng di chuyển gần như toàn bộ vào Sài Gòn với Ba tôi, vì thế mà những việc đã xảy ra sau này ở Nhatrang, tôi không còn được biết gì hết.

Vận nước đổi dời, cuộc sống chúng tôi tất bật hơn xưa. Bây giờ ngày ba bữa lo cơm ăn áo mặc đã mệt nhoài, còn đâu thì giờ và tâm tư để thắc mắc đến chuyện của ai nữa cơ chứ! Thế mà bỗng một hôm, anh Vĩnh Thọ xuất hiện trước cổng nhà Sài Gòn của chúng tôi, ốm yếu và xanh xao như là một bóng ma! Bọn tôi đồng “Ồ!” lên một tiếng thảng thốt khi thoạt vừa trông thấy anh cà nhắc cà nhót, khập khểnh bước vào nhà. Ba tôi lúc ấy đang ngồi trong phòng khách nhìn ra bên ngoài nên trông thấy anh Vĩnh Thọ ngay, và ông cũng ngạc nhiên ú ớ không ra lời!
- “Thưa Bác, Bác có nhận ra con không?”, anh chào Ba tôi ngay.
- “À, Vĩnh Thọ phải không?”, Ba tôi cũng mừng rỡ lắm. Anh ngồi xuống và bắt đầu kể, không chờ đợi Ba tôi phải hỏi han:
- “Con lầm quá rồi Bác ơi! Con có tội! Con quá u mê! Bác ơi, con chính là người cương quyết trấn thủ Nha Trang và là một người trong đám tiên phong ra tận đèo rù rì nghênh đón bọn Vẹm vào! Con đáng chết!”
Rồi anh tiếp tục kể, như thể Ba tôi là cái hồ chứa để anh trút xuống nổi lòng, mong cầu vơi nhẹ bớt những ray rứt và hối hận:
- “Ban đầu con vào làm việc cho Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa. Nhưng chỉ 3 tháng sau thôi, thưa Bác, là con đã thấy được bộ mặt thật của bọn Cộng Sản, và con quay qua góp ý, rồi phê bình, rồi chống đối!

Kết cuộc chúng xiềng con vào chuồng cọp (phòng giam nhỏ xíu, chỉ đủ giam giữ 1 phạm nhân). Con chỉ được phép cho ra khỏi chuồng cọp vào những giờ giấc thẩm vấn mà thôi. Thay vì phải “phản tỉnh” thì con lại giận dữ chưởi bới tiếp tục nên lại bị cùm, rồi bị kéo lê kéo lết hết nhà tù biệt giam này đến nhà tù biệt giam khác, không một phút nghỉ ngơi. Cuối cùng, hai cái giò bị xiềng của con đã lúc nhúc giòi bọ, cơ hồ sắp phải cắt bỏ. Sau đó, con còn bị một cú tai biến mạch máu não tưởng đã đi theo ông bà, vì vậy chúng nó mới quyết định thả con ra vì con đã là người tàn phế rồi .

Trong lần gặp gỡ này, Ba tôi chỉ lắng tai nghe anh Vĩnh Thọ nói chứ không hề phê phán hay góp ý, vì ông còn rất nghi ngại dè dặt. Ai là thù, ai là bạn của ta, thật khó mà có thể quyết đoán vội vàng trong không gian và thời gian này!
- “Bác ạ, con cho rằng muốn chống Cộng Sản thì chúng ta phải ở ngay trong lòng Cộng Sản, vì Cộng Sản nhìn từ xa xa thì rực rỡ như một con kỳ lân, dũng mãnh như một con sư tử. Hay nói cho có vần có điệu, chế độ Cộng Sản nhìn xa thì đẹp đẽ, nhìn gần thì chỉ là con chó ghẻ!”

Tôi nhớ mãi lời ví von cay đắng này của anh Vĩnh Thọ. Quả thật, anh Thọ đã là người hoàn toàn tàn phế khi được thả về! Áp huyết của anh cao đến đổi chúng tôi ai nấy đều lo sợ anh có thể ra đi bất cứ phút giây nào, và cơ thể anh suy nhược gần như toàn diện .
Anh sống nương tựa người em trai còn độc thân ở một ngôi nhà nhỏ trên con đường Bắc Hải, gần Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa ngày xưa.
Mẹ tôi nghe ai bày vẻ thức ăn hay món uống gì có thể giúp hạ áp huyết thì bà đều chính tay làm lấy rồi bắt chúng tôi đem đến cho anh, ước mong anh có thể kéo dài mạng sống. Nhưng rồi anh cũng phải ra đi!

Tôi nhận được tin anh Vĩnh Thọ qua đời khi tôi đã định cư ở Canada. Giây phút nghe tin, tôi đứng lặng yên ở khung cửa sổ nhìn lên bầu trời xanh biếc đang trôi nhanh những đám mây trắng ngần như tuyết trắng,cầu nguyện cho linh hồn anh được an nghỉ trên đó, không còn phải trăn trở chống chỏi khổ sở với những ước mơ và lựa chọn quá hoang đường của anh nữa!

Dù lựa chọn của anh đã quá sai lầm và hoang đường, nhưng tôi thật sự ngưỡng mộ giấc mơ của anh cùng với ý chí cương quyết, dứt khoát không phản bội lại những điều tốt đẹp mà anh đã ôm ấp. So với biết bao nhiêu người mà lựa chọn chỉ là “làm kẻ đứng bên lề”, đất nước thịnh hay suy, mất hay còn, dân tình no ấm hay lầm than, đó chẳng phải là chuyện của họ mà chỉ là chuyện-phải-lo của một thiểu số người cầm quyền mà thôi, thì sự chọn lựa với một thái độ nhập cuộc thật tích cực và kiên cường của người phi công này xứng đáng được sự tha thứ cũng như ngưỡng mộ của tất cả chúng ta.

Tôi ước ao bài hồi ký này sẽ đến được tận tay hai vị học huynh Phan và Trần để có thể khơi dậy lại được trong trái tim họ một chút gì tốt đẹp còn rơi rớt lại của ngày xưa: Một chút lòng yêu nước thương dân. Một chút lý tưởng tranh đấu để thực thi công bằng xã hội, động cơ khởi đầu sự lựa chọn của họ. Xin cám ơn tất cả những “Chọn Lựa” đầy vị tha và tốt đẹp, những “Chọn Lựa” đã vun đắp và tô điểm hoàn hảo lịch sử dân tộc tôi.

Cao Đồng Phước
Calgary, Canada
Tam the Bai _ Thanh Thuy (Huynh Anh)

http://www.youtube.com/watch?v=KvICWw2-3Uc