Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011
Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011
Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011
Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011
MÙA SEN
Thanh Nhã
Buổi sáng thức dậy, một đoá Sen trong hồ nhà vừa ngoi lên mặt nước, chợt nhận biết mùa hè đang hiện diện. Hình như hoa Sen cũng là một biểu tượng của mùa hè, đặc biệt mùa hè Huế, như phượng vĩ, như ve sầu.
Kiến trúc Kinh thành Huế với nhiều hệ thống sông, hồ: Hộ thành Hà bao quanh Kinh thành, Hồ Kim thuỷ bao quanh Hoàng thành, Hồ Thái Dịch nối liền Ngọ Môn với Điện Thái Hoà, Hồ Tịnh Tâm, Hồ Mưng, Hồ Thuỷ Ngữ trong khu vực Nội thành v v. Rồi trong các lăng tẩm, chùa chiền đều có các hồ nước như một biểu tượng của phong thuỷ. Có lẽ Hồ bán nguyệt ở chùa Từ Hiếu với sắc nước xanh biếc quanh năm đã là một ấn tượng khó quên cho những ai đã một lần đến.
Một loài hoa đã tồn tại từ bao nhiêu đời nay trong các ao hồ ở Huế và cứ mùa hè lại dịu dàng toả hương, một mùi hương thanh khiết và cao quý tạo một cảm giác thanh thoát khó tả cho người chiêm ngưỡng nó: Hoa Sen.
Tương truyền khi Đức Phật đắc đạo xong, Ngài do dự không biết có nên truyền bá cho chúng sinh chân lý mà mình vừa tìm ra không? Thần Brahma Sahampati liền hiện lên thuyết phục Ngài nên đem những điều mà mình đã giác ngộ để chúng sanh cùng được giải thoát. Lúc ấy Phật nhìn trước mặt, thấy một đầm Sen, có những hoa Sen xanh, Sen hồng, Sen trắng đang còn ẩn dưới mặt nước, có hoa Sen đã vươn lên tới mặt nước, cũng có những hoa đã vươn lên khỏi mặt nước. Cũng vậy, trên thế gian, chúng sanh cũng có nhiều hạng người, có kẻ trí, người ngu… Ngài bèn nói “Chân lý sẽ mở rộng cửa cho kẻ nào chịu nghe“.
Hoa Sen đã là một biểu tượng cho sự giác ngộ trong Phật giáo. Mùa Sen nở ở Huế cũng chính là mùa Phật Đản, những bông Sen được trang trọng cắm trên các bàn thờ Phật ở khắp các chùa Huế và các bàn thờ Phật ở nhà. Sen không chỉ nở trong các hồ, Sen còn nở trên những nan tre thanh mảnh, trên những mảnh giấy màu trong bóng hay mờ, nhiều màu sắc: Hoa Sen của những chiếc lồng đèn Phật Đản. Từ mồng Tám Âm Lịch, những chiếc lồng đèn hình hoa Sen hay những chiếc đèn ú có in hình hoa Sen đã thấp thoáng xuất hiện trên các nẻo đường thành phố. Người Huế vốn có một đời sống tâm linh mạnh mẽ. Đạo Phật đã đi vào tâm thức của họ từ rất lâu, có lẽ bắt đầu từ những ngày đầu tiên Chúa Nguyễn vào trấn ngự đất Thuận Hoá, xây Chùa Thiên Mụ. Tiếng chuông u trầm lan trong không gian tĩnh lặng của dòng Hương đã thành một âm thanh quen thuộc đối với người dân Huế. Phật Giáo đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hoá và tâm linh của người dân ở đây.
Phật Đản là một trong những lễ lớn của người Huế. Ngoài lễ chính tổ chức ở Chùa Từ Đàm, hơn trăm ngôi chùa của Huế đã mở rộng cửa đón khách thập phương đến lễ Phật và thọ trai. Chùa Diệu Viên cũng vậy. Đây là một trong hai mươi tám ngôi cổ tự của Huế, nằm ở khu vực phía Đông Nam thành phố, trong một khuôn viên khá rộng cạnh dãy núi Ngũ Phong. Có lẽ ít ai biết đây là ngôi chùa nữ đầu tiên của Huế. ”Lúc đầu chùa chỉ là một thảo am giữa vùng núi đồi u tịch, nơi thờ tự của một vị quan lớn triều Tự Đức. Cuối đời Khải Định, chùa được chuyển nhượng cho cụ bà Ưng Dinh, nhủ danh Hồ thị Thế Anh, Cụ Bà uỷ thác cho Tỳ kheo Chân Kim trông nom, tu trì. Khi tỳ kheo lên chùa Viên Thông tu chứng, sư bà Hướng Đạo, là em gái của tỳ kheo được mời về làm toạ chủ khai sơn”. Từ đó chùa chỉ nhận các ni sư. Như những ngôi cổ tự khác của Huế, không gian ở đây thật tĩnh lặng, dường như mọi phiền luỵ, ô trọc của cuộc sống đã được dũ sạch ngay khi bước chân đến cổng Chùa. Đó là chiếc cổng cổ ba tầng tạo hình như một chiếc cổng tạc từ sườn núi, tầng trên hết là bức tượng Thế Tôn ngồi kiết già nhập định, tầng thứ hai thiết kế bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm rảy nước cành dương với hai câu đối đáp nổi ở hai bên như được khắc vào đá
Tử trúc lâm trung, túc đạp hồng liên thiên diệp nộn
Thanh phong toà thượng, thủ trì thuý liễu nhất chi xuân
(Trong rừng trúc tía, chân đạp sen hồng nghìn lá nỏn
Trên đỉnh núi xanh, tay cầm liễu biếc, một cành xuân).
Khuôn viên chùa khoáng đãng có những hàng đá núi viền quanh một cách tự nhiên tăng thêm vẻ cổ kính của ngôi cổ tự.
Các ni sư ở đây không chỉ tu trì mà còn tham gia hoạt động từ thiện xã hội. Trước đây, Chùa đã xây dựng được một bệnh xá, trường sơ học, vườn trẻ Lâm Tì Ni. Hiện nay, Chùa là nơi nương tựa của 22 người già neo đơn với một Viện Dưỡng Lão và một trường Mẫu Giáo với 150 em học sinh nghèo. Sư Cô Diệu Đàm là người phụ trách chính cơ sở từ thiện này.
Đêm Phật Đản, thành phố Huế như lung linh, ảo huyền hơn trong ánh sáng toả ra từ các đoá Sen đủ màu sắc. Mùi hương Sen quyện với mùi hương trầm thoảng trên dòng Hương cũng đang ngập tràn ánh sáng lung linh của những đoá Sen bềnh bồng trong lễ phóng đăng.
Những năm gần đây, mỗi Mùa Phật Đản, dòng Hương lại lấp lánh ánh Sáng huyền nhiệm của bảy đoá Sen khổng lồ. tượng trưng cho bảy bước chân của Đức Phật Thích Ca. Đó là ý tưởng của quý tăng ni trẻ mà người đứng đầu là Thầy Thích Không Nhiên (Tâm An). Khi Bài ca Sen trắng được cất lên từ Bến Nghinh Lương Đình, bởi một dàn hợp xướng chuyên nghiệp cùng với trầm hương ngào ngạt được đốt lên ờ bờ sông Hương thì cũng là lúc những đoá Sen từ từ nở ra, từng đoá, từng đoá, như thể những gót chân của Đức Phật Thích Ca đang từng bước ngự trị.
Ánh sáng từ bảy đóa Sen trên dòng Hương mỗi Mùa Phật Đản cũng là ánh sáng của Trí Tuệ và Từ Bi đang thắp sáng mỗi người con Phật của Huế, trong mỗi Mùa Sen.
Thanh Nhã
Sửa đổi và viết thêm
Tháng 4 năm 2011