Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2010

LY RƯỢU XUÂN


Sóng từ cốc rượu chao ra,
Mây giăng khuất nẻo,quê nhà xa xôi.
Ngồi nghe sương lạnh,chiều rơi;
Ngồi nghe cách mấy trùng khơi- nổi niềm...!
Ngồi nghe máu chảy về tim
Ngồi nghe bảy nổi ba chìm...Ly hương!!

Trang y Ha

NHỚ MỘT DÒNG SÔNG


Hồn tôi vẫn nhớ dòng sông cũ
Ôi một dòng sông chảy sau nhà
Những đêm mưa chong đèn thăm vó
Lưới cá đầy lấp lánh rổ hoa

Dòng sông chảy lớn ròng đôn hậu
Qua bao năm lịch sử thăng trầm
Như hàng dừa nghiêng bờ thuyền đậu
Bông tím lục bình, tím vầng trăng

Mùa nước dâng dòng sông lên ruộng
Mùi mạ xanh theo gió thơm nồng
Đàn cò trắng hàng trâm ngủ nướng
Chờ nắng lên soải cánh đòng đòng

Tháng tư về dòng sông khô kiệt
Máu, nước mắt cùng đổ chan hòa
Thịt xương và trái tim ly biệt
Mẹ-Đất-Trời: dòng sông rã ra!

Đàn cò trắng hàng trâm hoảng hốt
Xa ruộng đồng trước dạng hừng đông
Lần cuối bay trên dòng sông lấp
Nước mắt rơi biệt nước lớn ròng

Hàng dừa trơ nhìn con thuyền úp
Bông trắng rơi như nước mắt rơi
Khóc một dòng trăng soi vó mục
Soi cả quê hương nhược tiểu người!

Sông thương không bao giờ thấy lại
Xóa cả đường xanh trên bản đồ
Thế hệ sau còn ai nhắc tới
Qua công viên vũng nước bùn hôi!

Mỗi đêm mưa thương nhìn chiếc vó
Thương tiếng nước vỗ bờ ruộng gò
Thương cả đàn cò bay đâu đó
Nhắc một dòng sông xa bến bờ

Quê người nhiều sông, nhiều công viên
Nhiều cả bình yên, chung như riêng
Nhưng tôi vẫn nhớ dòng sông cũ
Cuốn hút đời tôi dòng sông thiêng

Ba mưoi năm dài xa dòng sông
Nhưng vẫn nghe quanh gần thật gần
Vẫn nghe tức tưởi sâu lòng đất
Đôn hậu lớn ròng dòng trăng thân!

Nghiêu Minh

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2010

ĐỘC ẨM CHIỀU CUỐI NĂM

Tờ lịch treo tường nếu không vò nát
Ta đã quên đi tháng tận năm cùng
Lòng bồi hồi chợt thấy nhớ lung tung
Tha hương....Tha hương.... Não nề ai hát?

Ném tờ lịch cuối năm vào thùng rác
Ném mùa đông vào một góc quê nhà
Ly rượu chiều. Ta đối ẩm cùng ta
Quê hương tận phía chân trời xa khuất

Thằng bạn gọi phone kèm theo lời chúc
Cắc cớ bỏ quên trong đáy cốc giọt buồn
Bụi bặm xứ người tất bật. Lăn thân
Bạn xa ta từng thằng còn sót lại

Con phố hôm nay quạnh hiu quá đỗi
Ngày cuối năm nắng cõng vội chiều về
Chắc để mừng ta thêm một tuổi.
Thôi thì cạn ly Rượu cay xé vẫn không đủ làm ta khóc

Đường quê hương bao sông ngăn núi cách?
Mà đời ta dài mãi nỗi chờ mong?

Quan Dương

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2010

MỘT LẦN ĐI


Có một lần đi không đành đoạn
Theo con sóng biển sớm mai hồng
Mịt mờ phía trước hồn vô định
U uẩn đong đầy mặt nước trong

Nhớ ơi là nhớ màu lúa chín
Vàng như rơm rạ quấn con đê
Bao mùa mưa nắng sầu cố quận
Đời ta thôi trót lỡ câu thề

Vẫn biết quê xưa tình nghĩa nặng
Nhưng đành chia cách núi sông ơi
Hồn thiêng đất nước mong trở lại
Đâu ngờ nay vẫn xa ngàn khơi

Có gì lận đận dài hun hút
Khắc khoải trăng tàn mộng viễn du
Níu kéo đôi chân chưa biết mõi
Mới hay lạc lối cõi sa mù

Tôn Thất Phú Sĩ

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010

NỢ MỘT ĐIỀU KHÔNG NÓI


Mơ giấc kỳ ảo về một thành phố
Em có thanh âm ngọt lịm ái tình
Mây xuống núi tạc hình em xỏa tóc
Ta lạc bên trời ngồi nhớ lung linh.

Em, hoa cúc nở trên đầu ngọn gió
Ta, tên giang hồ lang bạt đầu non
Nắng tựa lưng chiều thả vàng êm ả
Thương em hiền lành như thuở Việt Nam

Có cánh chim trời từ đâu bay lạc
Đậu trong hồn ta hót tiếng nhẹ nhàng
Chia bờ tóc em hai phần trái đất
Nửa ở bên này nửa ở Việt Nam

Nửa ở bên này dòng sông em chảy
Len êm đềm qua ngõ ngách đời ta
Có chuổi nắng ta xâu từ ký ức
Đeo nụ hôn lên gò má trắng ngà

Có giọt biển xưa chạy vòng khoé mắt
Như bóng hoàng hôn quanh quẩn nỗi sầu
Từ quê người ta nhớ về tháp Bạc
Nối nụ buồn vào mắc xích đâu đâu .

Quan Dương

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2010

CỐ HƯƠNG


Mai về ngắm lại dòng sông cũ
Vài chiếc thuyền xưa tách bến rồi
Xa xa sóng cuộn trời mây biếc
Nghe rớt trong lòng chút tả tơi

Từ độ ra đi buồn viễn xứ
Mỗi mùa Xuân đến mắt trông vời
Cuối chân trời ấy là đâu nhỉ?
Vườn cũ nhà xưa, nát cả lòng

Buổi sáng hôm nay trời nắng ấm
Tiếng gà eo óc vẳng qua sân
Nhớ lắm Mẹ ơi! Con nhớ lắm
Bao mùa Xuân cũ rất xa xăm

Thuở ấy ngày xưa, mùa Xuân đến
Bát ngát sông thơm mùi phù sa
Cây mai trước ngõ vừa ra nụ
Nhè nhẹ Xuân sang khắp mọi nhà

NGUYÊN NHUNG

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2010

KHI VỀ

Trời đã bắt đầu chuyển vào thu
Heo mây lành lạnh đẫm mây mù
Chiều ơi vọng nhớ người quê cũ
Đốt cháy tâm tư,một tiếng"gù"


Nguyễn Xuân Chinh

TRỞ VỀ


Ta trở về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi


Tô Thùy Yên

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

NGÀY TRỞ VỀ


Bảy tám năm giữa rừng sâu núi thẳm
ta hôm nay như con sáo sổ lồng
đường phía trước tưởng chừng xa vạn dặm
biết có còn một chỗ để về không?

Mắt ngơ ngác nhìn con đường lạ lẫm
chiếc áo tù qua năm tháng bạc phai
đám cây cỏ cũng nghiêng đầu từ giã
đôi bàn chân tung những bước thật dài
đã lâu lắm không ghé về Tiên Phước
bạn bây giờ có lẽ chẳng còn ai

Chiếc xe đò khặc khừ nằm nhả khói
khách trên xe thấy lạ ngẩng lên nhìn
những đôi mắt đượm nét buồn ái ngại
ta trở về, liệu còn chút niềm tin?

Mấy đồng bạc trao cho người tài xế
anh cười vui "chở giúp, khỏi đưa tiền" ..
dòng xúc cảm chợt trôi về, dịu ngọt
lòng như quen, rộn rã chuyện hàn huyên

Ngày ra tù, ta trở về, vậy đó
thù đưa ta đi trừng phạt, đọa đày
ta cứ tưởng tình người là dâu bể
đâu có ngờ những ấm áp hôm nay.

Mạc Phương Đình

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2010

TRĂN TRỐI


Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con chỉ dùm căn láng nhỏ bên sông
Nơi Mẹ sống trong chuỗi ngày hiu quạnh
Nặng oằn vai một nỗi nhớ thương chồng

Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con chỉ dùm chiếc ghe nhỏ đang neo
Ðời Mẹ đó, kiếp con cò lận đận
Sớm đầu non đêm cuối bể, thân nghèo

Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con trao dùm chiếc nhẫn cưới cho Ba
Mẹ vẫn giữ chắt chiu từng kỷ niệm
Trăng vẫn tròn như dạo mới chia xa

Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con nhắc chừng Ba dựng bức tường nghiêng
Nhà không vách nên bốn mùa mưa tạt
Thiếu tay Ba đông cũng lạnh hơn nhiều

Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con chỉ dùm tảng đá nhỏ trong sân
Nơi Mẹ đứng mỗi chiều thu lá rụng
Mắt trông chờ một bóng dáng quen thân

Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con trao dùm chiếc áo dở dang thêu
Tay Mẹ yếu nên đường kim chỉ vụng
Con chim gầy đậu dưới gốc cây xiêu

Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con trao dùm mái tóc thuở thanh xuân
Thời con gái Mẹ trăm điều bất hạnh
Vết tủi buồn ngang dọc kín trên lưng

Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con chỉ dùm chăn chiếu phủ giường tre
Mẹ ôm ấp chút hơi tàn quen thuộc
Của người đi biền biệt đã quên về

Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con chỉ dùm ngôi mộ giữa quê hương
Nơi Mẹ chết trong mỏi mòn tuyệt vọng
Cánh cửa đời khép lại với đau thương

Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con đừng buồn và trách móc chi nhau
Lòng của Mẹ, một tấm lòng đại lượng
Vẫn nghìn năm son sắt chẳng phai màu.

Trần Trung Đạo

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2010

LÁ RỤNG KHÔNG VỀ CỘI

Thứ bảy tuần rồi, ông Trương nhận được hai món quà, do ông bà sui vừa về thăm quê bên Việt Nam mang sang tặng. Hai món quà thực ra không đáng bao nhiêu tiền, nhiều lắm cũng chỉ bằng giá một tô phở bán ở Little Saigon, nhưng với ông nó lại là vô giá, đã làm ông xúc động, nghẹn ngào đến nỗi không thốt lên được hai tiếng cám ơn.
Cả tuần nay, nhiều đêm ông trằn trọc mất ngủ, ban ngày ngồi thẫn thờ, hoặc chắp tay sau lưng lẩn thẩn một mình trong khuôn vườn nhỏ sau nhà, suy nghĩ mông lung.

Năm vừa rồi, con cháu đã tổ chức mừng Lễ Thượng Thọ cho ông, mặc dù ông thường cản ngăn điều ấy. Nhưng con cháu làm vậy là phải, vì gia đình ông trải qua bao đời sống trong gia phong lễ giáo, hơn nữa suốt một đời vào sinh ra tử mà ông sống được tới hôm nay cũng là lạ lắm. Con cháu không chỉ mừng ông mà còn phải cảm tạ Đất Trời.
Sinh ra ở vùng quê, một cái huyện nghèo, mà thơ mộng.

Biển xanh nằm sát bên dãy trường sơn hùng vĩ, cực bắc tỉnh Khánh Hòa. Cuộc đời ông có nhiều may mắn bất ngờ. Vì sinh kế, cha mẹ ông phải vào Nam lập nghiệp. Ông được một người trí thức có lòng nhận làm dưỡng tử. Người này gốc Quảng Bình, tốt nghiệp kỹ sư công chánh ở đại học Sorbone bên Pháp, vừa mới hồi hương và đang làm cho hãng thầu Descours &Cabaud đặc trách hai công trường xây cầu NeakLuong và Norodom, cách thủ đô Nam Vang 6 – 10 cây số. Là “dưỡng tử” nhưng ông thường được xưng hô là “thầy trò”. Ông kỹ sư chưa lập gia đình. Để thuận tiện công việc làm, ông thuê một ngôi nhà đơn lập, nằm cạnh nhà của người bạn là một nhà giáo, và gởi gấm cậu dưỡng tử theo học. Thời đó Nam Vang không có một trường nào dành cho văn hóa Việt Nam, mà chỉ có trường Pháp và Miên. Ông kỹ sư sống ở Pháp hơn bốn mươi năm, thấm nhuần văn hóa Pháp, vì vậy “cậu bé” Trương tất nhiên chịu ảnh hưởng của người dưỡng phụ, nên học hành rất nhanh và sớm thi đỗ Diplôme.

Ngày 8 tháng 3 năm 1945, quân Nhật lật đổ chính quyền bảo hộ Pháp ở Đông Dương. Ông kỹ sư dưỡng phụ bị quân Nhật bắt đem đi mất tích. Không còn nơi nương náu, ông Trương chỉ còn con đường duy nhất là về lại quê xưa. Bảy tháng sau, quân Pháp từ Ban Mê Thuột đổ xuống đồng bằng như thế chẻ tre. Ông Trương, lúc này đã là một thanh niên, bị bắt. Khi Phòng Nhì Pháp thẩm vấn, ông đội (Phinh) thông ngôn dịch sai câu trả lời của ông Trương, làm cho viên sĩ quan Pháp hiểu lầm tức giận, đứng lên định tát vào mặt ông Trương.
Nhờ lanh trí và với căn bản Pháp văn vững chãi, ông Trương trình bày tận tường sự việc, làm cho vị sĩ quan Pháp ngạc nhiên, thán phục. Thay vì làm tù binh, ông Trương được đưa vào Nha Trang để làm thủ tục đồng hóa vào quân đội Pháp.
Sau đó ông được sự giúp đỡ của một số Sĩ quan Pháp tốt nghiệp trường Võ Bị Saint Cyr, thi đỗ vào École Militaire InterArmes de Dalat (EMIAD) ( trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt). Tốt nghiệp với thứ hạng cao, ông được chọn làm huấn luyện viên cho các khóa Sinh Viên Sĩ Quan Hiện Dịch.

Rồi từ ngày ấy ông biền biệt xa quê, nơi chôn nhau cắt rốn, cho tới hôm nay. Đúng ra, trong thời gian hơn sáu mươi năm ấy, ông chỉ sống ở quê mình vỏn vẹn có ba năm, khi ông bất ngờ được chọn về đây làm quận trưởng. Nhiều người cho đây là một điều may mắn. Hơn nữa lúc này là thời Đệ Nhất Công Hòa, tiêu chuẫn để chọn một quận trưởng rất khó khăn .Vậy mà khi nhận được Lệnh Bổ Nhiệm, ông đã xin từ chối . Ông biết làm việc ngay ở quê mình là một điều không dễ, bởi còn có nhiều người thân, em út trong nhà , bà con chú bác. Dù tình lý có phân minh, cũng khó tránh được đôi lời dị nghị.
Nhưng cuối cùng ông cũng phải mang balô, từ giã một tiểu đoàn thiện chiến, do chính ông dày công tổ chức và rèn luyện, về chính quê mình nhận trách nhiệm mới, nặng nề phức tạp. Lời khẩn cầu từ chối của ông không được chấp thuận.

Lý do được Bộ Nội Vụ đưa ra: Ông (cố vấn) Ngô Đình Nhu đang là dân biểu Quốc Hội (đảm trách hai quận thuộc tỉnh Khánh Hòa, trong đó có quận của ông), đề nghị Trung Ương bổ nhiệm một vị quận trưởng phải có đạo đức, lập trường kiên quyết chống Cộng, vừa có kinh nghiệm tổ chức chiến đấu vừa am tường địa hình và dân chúng trong quận. Trong danh sách những người được đề nghị, ông Trương là đối tượng duy nhất đáp ứng các tiêu chuẩn trên.

Ba năm, sau khi đã ổn định tình hình và tổ chức được một hệ thống chính quyền xã ấp cùng một lực lượng an ninh vững mạnh, xây xong một con đập lớn (Bình Trung) và ngôi trường trung học công lập đầu tiên cho quận, ông làm đơn xin được trở lại đơn vị cũ. Là một sĩ quan chiến đấu, ông không hứng thú với những thủ đoạn ở chính trường. Đơn chưa được xét, thì xảy ra cuộc đảo chính ngày 1.11.63. xóa bỏ nền Đệ Nhất Cộng Hòa một thời thịnh trị. Ông bị đám tướng tá “cách mạng” chụp cho chiếc nón Cần Lao, mặc dù ông là một Phật tử ngoan đạo, thuần thành. Cuối cùng không tìm ra tội, họ phải chấp nhận đề nghị của ông: trả ông về quân đội. Ông được bỗ nhậm về Trung Đoàn 48BB biệt lập, đang quần thảo với địch quân trong Chiến khu D. Bàn giao công việc cho người kế nhiệm.Thêm một lần nữa ông phải ra đi trong thương tiếc của mọi người. Và ông cũng không ngờ, lần ra đi này cũng là lần vĩnh viễn xa quê.

Bao nhiêu năm lăn lộn ở các chiến trường, biết bao lần vào sinh ra tử, đơn vị ông đã tạo nhiều chiến thắng lẫy lừng. Bảo Quốc Huân Chương Đệ Ngũ rồi Đệ Tứ Đẳng ông được tưởng thưởng từ khi còn khá trẻ, được chính các vị nguyên thủ quốc gia trao gắn. Cũng có một thời ông được chọn về làm huấn luyện viên cho các quân trường lớn : Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, Võ Khoa Thủ Đức, Chỉ Huy Tham Mưu Đà Lạt. Ông cũng là đồng soạn giả của một số Binh Thư dành cho các cấp chỉ huy từ cấp đại đội, tiểu đoàn đến trung đoàn bộ binh.

Tình hình Vùng 1 Chiến Thuật ngày càng nặng nề, từ ngày đường mòn Hồ Chí Minh với những ống dẫn dầu từ Bắc vào Nam - không hiểu vì sao - gần như bỏ ngõ (?), để từng đoàn xe pháo Bắc quân xâm nhập. Từ những chiến trường khu D, Bình Long, ông được điều ra tận vùng địa đầu hỏa tuyến, tái tổ chức một trung đoàn biệt lâp, với trang bị và nhiệm vụ phù hợp với một sách lược do chính cá nhân ông biên soạn lúc còn phục vụ tại Trường Chỉ Huy Tham Mưu Đà Lạt. Đó là kế hoạch“Chữ Tâm Trong Lũy Tre Xanh”
(The Hearth Within The Green Bamboo Rampart), có nghĩa là phía quốc gia phải chinh phục được niềm tin của dân làng trước (và trong) kế Hoạch Bình Định & Xây Dựng Nông Thôn. Và cũng vì chính sách lược ấy, ông được thuyên chuyển đến vùng lãnh thổ này: Hai quận Hòa Vang và Điện Bàn thuôc tỉnh Quảng Nam được cơ quan MACV đề nghị làm thí điểm cho việc thực thi kế hoạch.
Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã tái tổ chức xong trung đoàn, lấy Tâm Lý Chiến làm hành trang cho binh sĩ mang vào vùng trách nhiệm, đến tận những nơi thâm sơn để theo dõi, bám sát và tiêu diệt các đại đơn vị Bắc quân xâm nhập. Mặc dù luôn bóp méo, viết sai sự thực, nhưng trong quân sử của đối phương không hề dám viết một dòng nào về hai Sư đoàn 304 và 324B của chúng đã đụng độ với lực lượng Hưng Quảng I của ta tại Quảng Nam. Bởi theo yêu cầu và chỉ điểm của đơn vị ông, một ngày, bốn phi vụ B52 trải thảm tại một khu vực nhỏ hẹp ở Gò Nổi (Phù Kỳ, huyện Điện Bàn) mà sau đó, các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã phải dùng Rome Plough của Sea Bee để vào chôn xác quân thù. Đủ biết số tử vong của địch cao biết chừng nào.

Trong hồi ký, Y sĩ Thiếu Tá Nguyễn Gia Thọ, nguyên là bác sĩ quân y của Trung Đoàn, đã viết về ông khi vị bác sĩ này mới về trình diện:
….Tôi có cảm tình ngay với vị chỉ huy mới, vừa lịch sự vừa dứt khoát, lệnh lạc rõ ràng, và coi quân y quan trọng cho đơn vị. Tôi hình dung lại dáng người của ông, cao gầy, mặt xương. Sau tôi biết ông là người có tú tài Pháp, sùng đạo Phật, đêm nào cũng thắp nhang khấn ngoài trời, và trong ngôn ngữ truyền tin, ông là Phượng Hoàng…..
và về chiến tích đầu tiên mà vị bác sĩ này được vinh dự góp phần, một ngày không xa sau đó:
….Kết quả cuộc tấn công của Việt Cộng: ta gần như vô sự, chỉ có Canh, xạ thủ đại liên, rớt từ chòi cao xuống, xương sống gãy một đốt đi lom khom và tôi, bị miểng đạn vạt mất mông bên trái, không ăn thua gì. Còn địch thì để lại trên một trăm xác chết ngoài hàng rào.
Sau trận đó, tôi được thưởng anh dũng bội tinh với ngôi sao bạc, và chiến thương bội tinh.
Đại Tướng Hoa Kỳ Louis C. Wagner, từng là cố vấn trưởng trung đoàn, được ông Trương đề nghị ân thưởng Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, trong tập bút ký nổi tiếng Steel and Blood, đã hết lời ca ngợi trung đoàn dưới sự chỉ huy của ông.
Nhưng với ông, người Mỹ đã làm cho ông thất vọng. Từ sự trở mặt của một đồng minh cho đến cả cái tình một thời chiến hữu.
Ngoài trách nhiệm nặng nề của người anh cả một đại đơn vị, ông còn trách nhiệm của người anh cả đối với những đứa em trai không cha, mẹ già, chu cấp lo lắng cho các em học hành. Ông cũng không thể dắt díu hết bầu đoàn thê tử theo ông ra vùng lửa đạn, nên phải gởi cậu trai lớn về quê ngoại Ninh Hòa và hai cậu con trai nhỏ cho hai người em trọ học ở Nha Trang.

Sau này, tất cả các em và con trai đều theo bước chân ông vào quân ngũ. Có người là sĩ quan biệt động quân, người ở hải quân, không quân.
Trung Đoàn Biệt Lập của ông trở thành một đơn vị hàng đầu thiện chiến, luôn ở tuyến đầu lửa đạn. Cuộc đời ông lại gắn chặt dưới những giao thông hào, trong những lô cốt làm bằng những bao cát (được gọi là trung tâm hành quân) và đại gia đình ông bây giờ chính là những người lính chiến dưới quyền, cùng ông sống chết, nhục vinh.
Với khả năng lãnh đạo chỉ huy, đức tính cương trực liêm khiết, cùng bao nhiêu kinh nghiệm chiến trường, ông được tướng Ngô Quang Trưởng, điều về làm Tư Lệnh Phó cho một Sư Đoàn thiện chiến vào bậc nhất miền Nam. Một Sư Đoàn đã tạo nên bao chiến tích lẫy lừng cùng những vị Tư Lệnh và nhiều cấp chỉ huy nổi danh một thời của Quân Lực: Ngô Quang Trưởng, Phạm văn Phú, ..., Lê Huấn, Võ Toàn, ...

Đầu tháng 3/75, sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, Quân Đoàn II có lệnh triệt thoái khỏi Cao Nguyên theo Tỉnh Lộ 7. Một cuộc lui binh tồi tệ nhất trong lịch sử chiến tranh. Tướng Ngô Quang Trưởng đau đớn nhận lệnh bỏ Quân Đoàn I, trong khi người bạn đồng minh phủi tay và chính quyền trung ương cùng cả một hậu phương rối ren, hổn loạn. Sư Đoàn của ông cũng cùng chịu chung số phận. Vị Tư Lệnh cùng vài vị trung đoàn trưởng tử nạn trực thăng, không ai tìm ra tung tích. Ông nhìn cả một đại gia đình tan tác mà trong lòng như có trăm ngàn vết chém.
Cuối cùng ông cũng phải rời khỏi vùng đất địa đầu miền Nam, nơi có những người lính anh hùng,giẫm lên xác thù, cấm cờ trên Cổ thành Quảng Trị, có cố đô của một triều đại cũng từng một thời dẹp Bắc bình Nam, mở rộng cả một vùng giang sơn bờ cõi, nơi đã hơn 30 năm đứng vững trong bom đạn hung hãn của kẻ thù và những tranh chấp hận thù của những người nhân danh tôn giáo. Ông đã phải cắt ruột mà đi, không những chỉ bỏ lại máu xương, bao nhiêu nấm mồ đồng đội, cùng với những chiến tích vang dội một thời, mà còn cả một đứa con trai, cũng là lính chiến, rút lui theo đoàn quân lên tàu, nhưng chẳng bao giờ tới bến. Người con trai của ông đã nằm lại vĩnh viễn ở một nơi nào đó cùng với đồng đội - những chiến sĩ vô danh .
Như một phép màu, ông Trương đã được bốc đi vào đúng giờ thứ hai mươi lăm của cuộc chiến, khi địch quân cấm lá cờ oan nghiệt nửa đỏ nửa xanh trên nóc ngôi nhà “ Dinh Độc Lập”. Hôm đó người ông đi, mà hồn ông vẫn còn ở lại trên quê nhà.

Đến Mỹ, ông tìm một nơi tạm cư vắng vẻ, cùng với một gia đình không trọn vẹn, sống âm thầm những tháng ngày còn lại. Ông tìm lãng quên trong sách vở, với những đứa cháu nội ngoại không hề biết quê hương nơi ông sinh ra và cả một đời chiến chinh và nỗi đau cắt ruột.
Niềm vui duy nhất của ông bây giờ là tìm lại những đồng đội ngày xưa, nhắc nhớ nhau một thời trận mạc. Nhưng vui đó rồi lại buồn đó, khi bất chợt có ai nhắc lại tên một người đã mất hoặc vẫn còn sống mà khốn khổ lạc loài trên chính mảnh đất quê hương.
Những lúc rảnh rỗi, ông đóng cửa phòng, đọc sách, hồi tưởng lại cả một chuỗi quá khứ của đời mình, nhớ lại từng chi tiết trong các trận đánh, phân tích các điều thành bại rồi viết lại và lưu giữ trong computer. Lâu lâu ông lại mở ra đọc, nghiền ngẫm hằng giờ. Rồi thở dài. Ông tiếc thầm, vì những kinh nghiệm có được từ bao nhiêu máu xương này không còn biết đem truyền lại cho ai.
Nhiều lúc ông da diết nhớ quê, nhớ mồ mả cha mẹ tổ tiên, nhưng ông không bao giờ có ý nghĩ trở về, dù chỉ một lần, và chỉ một đôi ngày ngắn ngủi. Bởi một lý do đơn giản: ông nghĩ nơi ấy không còn là quê hương ông ngày xưa, mà chỉ còn là một vùng đất lạ lẫm, mà mỗi ngày, mỗi một phút, lũ cầm quyền vong bản, hèn mạt, bất tài, đua nhau bán rẻ quê cha đất tổ, cướp đi từng hạt cát của biển, hạt lúa của ruộng đồng, từng cành cây của rừng, từng tảng đá của núi và cả những giọt nước mắt, mồ hôi của những người dân khốn khổ, trong đó có nhiều người bà con của ông đã gần 50 năm chưa hề gặp lại. Ông cũng hổ thẹn, thấy chính mình có lỗi khi để quê nhà lọt vào tay bọn giặc man rợ, bất lương.
Suốt một tuần nay, buổi sáng nào, sau khi thức dậy, ông cũng rón rén đến bàn thờ, tìm hai món quà mà ông bà sui đã tặng : một chiếc nón lá và một bao nilon chỉ toàn là cát.
Hôm nay, ông ngồi thật lâu, dường như suy nghĩ một điều gì quan trọng lắm. Cuối cùng, ông đi tìm chiếc ghế, đứng lên đóng một cây đinh vào vách phòng khách, nơi mà trước đây ông luôn dặn dò, nhắc nhở vợ con mình không được làm điều ấy. Ông trịnh trọng treo chiếc nón lá lên đó. Rồi ông lùi ra nhìn chiếc nón. Bất chợt trong nhạt nhòa nước mắt, ông nhìn thấy bóng dáng mẹ ông, nhớ tới bài văn xuôi rất học trò của ông Thanh Tịnh, mà ông đã thuộc lòng từ thời tấm bé :
“....Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã đi lại lắm lần..”. Hôm ấy mẹ ông cũng đội một chiếc nón lá .
Nhớ tới bao nilon cát, ông tìm một tấm nhựa mới, đổ hết cát từ trong chiếc bao hai lớp, lên tấm nhựa. Những hạt cát mà ông bà sui của ông đã hốt lên từ bãi biển ở quê ông, nơi mà thời còn nhỏ dại ông thường tụ tập tại đây tắm biển, vui đùa với đám bạn bè con nít, reo hò đón những chiếc ghe đầy cá của những bác ngư ông láng giềng trở về từ biển cả. Ông lấy cái lư hương trên bàn thờ xuống, lau chùi bên trong sạch sẽ, lót lên một tấm vải màu đỏ, rồi trịnh trọng bốc từng bốc cát bỏ vào. Những hạt cát đối với ông bây giờ là những hạt ngọc, trong lóng lánh ông tưởng chừng như bao nhiêu đôi mắt của người thân, của đồng đội, bạn bè, dù còn sống hay đã chết, bây giờ biền biệt ở nơi nào đó, mịt mờ trong cõi hư vô.
Ông chỉ bỏ vào chiếc lư hương một nửa số cát, nửa còn lại ông gói thật kỹ vào tấm vải đỏ, rồi bỏ vào trong một chiếc hôp thiếc, vốn là hộp trà kỷ niệm lễ cưới của thằng con trai út.
Ông dặn lòng, tối nay, ông sẽ thức khuya một đêm nữa, viết tờ di chúc cho vợ và các con. Cả một đời ông đã bỏ lại quê nhà, sang xứ người khi tuổi đã về chiều, ông chỉ còn biết đem hết công sức nuôi nấng, dạy dỗ các con. Trời không phụ lòng ông, tất cả con cái đều đã nên người, hiếu thảo. Mai này, khi nhắm mắt ra đi, ông cũng chẳng còn gì để lại, ngoài cuốn nhật ký ghi lại đời mình. Và bây giờ có thêm chiếc lư đồng, trong đó chỉ có những hạt cát quê hương, mà ông xem như “vật gia bảo” trên bàn thờ tiên tổ. Nửa số cát còn lại, ông cất kỹ dưới đầu giường và xin vợ con ông sẽ rắc trên di thể của ông trước khi đậy nắp quan tài.
Ông hình dung tới những chiếc lá trong cơn bão, tả tơi, tan tác, bị cuốn đi trong trời đất mênh mông, để không bao giờ được rơi về với cội. Lòng thấy xót xa. Bỗng bất chợt, ông nhìn lên bàn thờ, mắt ông sáng lên, rạng rỡ, khi nghĩ rồi đây bên cạnh mình còn có nắm cát của quê hương.


Phạm Tín An Ninh

CÂU CHUYỆN SẮC MÀU

Hôm nay ngày đầu năm tôi được nghỉ ở nhà. Dọn dẹp nấu nướng xong xuôi rảnh rổi vài ba giây phút, tôi xin kể các bạn nghe một câu chuyện vui, tựa đề Sắc màu cho vui tươi cả năm đó mà..

Chuyện về gia đình ba mẹ tôi có nguyên một tiểu đội 12 người con, vì Ba tôi thích có con trai mà mãi hoài cứ là gái..cho nên cứ thêm rồi nữa,cứ toàn là út ít út thêm út nữa...ai nghe cũng buồn cười.
Khi được 3 nam nhi rồi ông bà mới chịu stop vậy là vị chi 9 con ngỗng trời (vì sau này sẽ bay đi hết).
Bà chị cả nhà tôi được đặt tên một giòng suối, đây là màu trắng bạc nguyên thủy sáng lấp lánh màu đá quý và suối nước.
Bà chị thứ hai có tên phượng đỏ , màu hồng có phải chị sinh vào mùa hoa phượng nở,và màu hồng đỏ thì rực rỡ sắc màu nhất .
Tới người chị thứ 3, Ba tôi đi vào kháng chiến mùa Thu ông đặt một cái tên rất lãng mạn là Chí Hướng, nhưng than ôi toàn là một màu ảm đạm nên chị có biệt danhTím hoàng hôn, và cạnh đó là màu của lục bình trên sông nước._
Người chị thứ tư, ba tôi nghe không rõ tưởng "nam nhi" nên gọi đó là phần thưởng. Chị tôi sanh vào muà thu có lá vàng rơi .
Đến tôi người con gái thứ 5 nhưng thứ bậc là chị sáu,vì thích màu trời xanh nên có tên Trời xanh .
Người kế ngừơi kế nữa là trai nên là hoàn đạt . Rồi những người em gái khác Kim Chi Ngọc Điệp có màu vàng hoàng kim chói lọi...,màu của hoa Ngọc lan trắng mướt, Hoa Mai vàng rực rỡ vào buổi sáng Bình Minh .
Thế là giấc mộng ba mẹ tôi đã được hoàn mãn...Một bộ sưu tập sắc màu ra đời.. Kể ra màu sắc thường có 12 chưa kể những màu pha trộn cho thêm phong phú...Tôi chỉ nói về màu sắc cho vui câu chuỵện hôm nay ví dụ như Hoa Hồng thì có nhiều màu như...Hồng cánh sen . hồng điều , hồng phấn .Trắng thì có trắng muốt, trắng ngà trắng toát, trắng như tuyết..vv...vv Nếu kể ra nữa e rằng cả ngày không hết .
Tôi xin ngừng câu chuyện tại đây và Kính chúc tất cả các bạn trang thơ Năm mới phước lộc dồi dào, bình an tự tại, công việc thăng tiến...và nhất là Trẻ mãi ai muốn đẹp thì đẹp mãi..Xin Kính chúc.