Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Cuộc đời cơ cực của Cha tôi!

Ba đi săn

Mỗi lần cầm trái ổi trên tay,hình ảnh cha tôi lại hiện về.Tôi nhớ Ba vô cùng,Ba đã mất gần được 3 năm.Câu chuyện trái ổi tôi kể các bạn nghe đây cũng là kỷ niệm về Ba tôi một thời khốn khó nghèo khổ.

Hồi đó Ba tôi vừa tròn hai tuổi thì mất cha.mẹ là một bà công nương không biết làm gì sinh sống dù trước đó ông nội tôi rất giàu có,nhưng rồi bà nội không ở được với mấy người kia nên đã khăn gói dắt díu cha tôi về ngoại.
Chiến tranh giặc giã nên nghèo khổ lại càng nghèo khó hơn.Bà nội gởi cha tôi vào chùa Phước Huệ rồi đi làm thuê làm mướn độ nhật qua ngày.Cha tôi ở chuà cũng bữa rau bữa cháo ngày 2 bữa với rau dưa muối hẩm đạm bạc.,có khi không đủ cơm phải ăn khoai sắn .

Cuộc đời thật cơ cực,rồi người thân bên nội trong Phủ đem cha tôi về nuôi nhưng thật ra để theo hầu người em chú bác họ chỉ vì người này mang dòng họ vua,còn cha tôi cũng giòng vua nhưng thuộc bên ngoại.Ba tôi cũng được học chữ Tây chữ Hán với người em họ đó,mà cơm ăn thì vẫn không đủ no..
Một lần cha tôi kể nhà có khách,bữa đó xem như cha tôi phải nhịn cơm để đãi khách,Cha đi tha thẩn ngoài vườn ,trèo lên cây ổi..ăn ổi chín rồi tới ổi xanh...để trừ cơm.Người khách gọi sao không vào ăn cơm.Chatôi thưa dạ đã ăn no rồi!...Mấy trái ổi càng ăn càng xót ruột..,nhưng phải nói là no rồi

Ôi cuộc đời cha cơ cực quá,con không cầm được nước mắt,thương cho cuộc đời thơ ấu nghèo khổ của cha.

ThiênThanh

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

CHIÊM BÁI PHẬT NGỌC



Thiên Thanh chiêm bái Phật Ngọc

Thứ Tư, 15 tháng 9, 2010

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

Mưa Banmêthuột

Cơn mưa cali đổ xuống, không khí mát dịu hẳn sau những ngày nóng bức như nung đốt, đất trời hầm hập, cây cối đứng im, bầy chim ủ rủ trên ngọn cây, chờ một hơi gió thổi về......Những ngày hè qua đi, thu đang dần tới cũng là lúc đón nhận những cơn mưa đầu mùa, mưa làm người vui vẻ, cây cối xanh tươi..
Tôi nhớ lại những ngày mưa BMT, có lúc đội mưa đi nghe nhạc uống caphê ở một cái quán mới mở đâu đó, thật vui đi dưới mưa chạy xe Honda ào ào nói cười ríu rít cả bọn líu tíu như các teen mới lớn..cái tình dân BMT thắm thiết là vậy, mưa lội ra ngoài bùn lầy bắn dính đầy áo quần,, lấm tấm nâu đỏ, lấm lem như những lọ lem thời đại mà tôi không hiểu sao cứ vui cứ nói cười, chắc cái chất cao su càphê miên viễn của xứ Banmê nắng bụi mưa bùn đã thấm đẫm vào hồn người Banmêthuột, cái chất dẻo đỏ quạch hay nâu đen có chút hơi hướm càphê đang mùa chín tới..

Những em học sinh của tôi cách đây hơn 30 năm đã vui vẻ tụ họp về trong một buổi họp mặt cùng cô giáo chủ nhiệm, các em tổ chức ca hát, tặng hoa, tặng cho tôi tấm plaque trên đó ghi dòng chữ "Tặng cô giáo chủ nhiệm yêu dấu của chúng em" ôi, thật tôi không thể nào tưởng tượng có một ngày như thế, một ngày trọng đại khắc ghi trong cuộc đời tôi.
Ngồi nhắc lại những kỷ niệm xa xưa thời mà thầy trò cùng nhau vác lều chõng đi lao động hái càphê trong buôn Rê, hay gặt lúa trong buôn Trấp...kiến đeo cắn đầy người, đĩa vắt đầy cả bắp chân..Đã vậy khi về trường không hiểu gây gỗ sao với lớp 9c học trên các em một lớp, T và Đ đã dám đem súng vào trường hù dọa, khiến tôi một phen hoảng hốt hồn vía bay lên mây lật đật hộ tống em và cây súng Colt lấy cắp của ba em đem trả lại chỗ cũ...Kỷ niệm xưa cứ thi nhau tràn về như cơn mưa lũ, thầy trò không còn khoảng chia cách cứ tâm sự vui vẻ cười đùa như những người bạn...
Học trò tôi bây giờ có em đã có cháu con đông đúc, đầy đủ nội ngoại..

Tình người BMT như chất dẻo cao su, như chất sánh đặc càphê, thấm đẫm hồn người Banmêthuột......Dù đi xa nơi đâu, tôi và các em đều nhớ về một thời BMT thân thương...



Thứ Ba, 6 tháng 7, 2010

Những món ăn má tôi nấu


Mỗi khi luộc bắp là tôi nhớ đến má,tôi thường nói với con trai rằng bà ngoại luộc bắp ngon lắm.Con tôi cười hỏi,có gì mà ngon hả mẹ.Tôi nói cách nấu đó con,không giống bình thường đâu,rồi khi luộc xong ăn thử 1 trái anh chàng công nhận là ngon.Bắp mới hái xuống cắt bỏ lớp vỏ ngoài chỉ còn vỏ lụa bỏ vào một nồi lớnnấu lữa vừa cho cả nước và bắp đều ngọt còn để cả râu bắp cho nước thơm ,bỏ vào vài lát cam thảo để lợi tiểu sạch gan nữa.
Món thứ hai là cơm quay nồi
,hồi đó còn ở Đalạt trời lạnh mỗi khi được ăn món cơm quay nồi cả nhà tôi đều vui,nhất là đám trẻ con chúng tôi,ăn lớp cơm cháy dòn dòn mỡ tươm từ miếng thịt quay bỏ giữa lòng nồi cơm đượ

c đây chặt bằng một tô lớn úp lên trên ,gạo đổ chung quanh ,khi cơm chín thì miếng thịt bên trong cũng chín quay vàng lườm
.Miếng thịt má tôi ướp đủ vị ngũ vị thơm phưng phức,
tới bây giờ mà tôi như còn ngửi được cả mùi thơm.
Món kế nữa là Chả thủ,đặc biệt món này bà La Chase là Tây rất sợ tai mũi lưỡi mà khi ăn bà cứ tấm tắt khen ,còn hỏi cách làm.Má tôi chỉ vẻ tận tình.Tai mũi heo mua về rửa sạch bằng nước muối ba bốn lần,ngâm trong nước ấm với gừng cho sạch sẽ.Khi nấu xắt mỏng ép với nấm mèo tiêu hột.Má tôi xào lên hành tiêu tỏi thật thơm tho cuốn trong lá chuối chặt tay,xong còn ép hai lớp cối đá trên và dưới cho nước mỡ chảy ra hết.Cuối cùng đòn chả không mỡ màng ăn rất dòn và đậm đà

Món thỏ Civet của má tôi cũng nổi tiếng một thời ở Dran,thỏ ba tôi vưà săn bắn về cho uống chút rượu xong uớp gia vị ,rồi khi nấu gần chín đổ rượu chát vào,tôi nghĩ món này má học từ các bà đầm quen ở gần nhà.

Còn bánh tét thì cũng thường hàng năm nhiều nhà vẫn gói nhưng má tôi làm thì khỏi chê,hồi đó tôi cứ thấy nhưn bánh má làm giống đóa hoa hướng dương,miếng thịt như lóng tay nằm giữa,đậu xanh vàng óng chung quanh rồi lớp nếp trắng dẽo bao quanh má tôi bắt chị em tôi đãi nếp và đậu xanh thật kỹ nhiều nước để bánh không bị hư và mua lá dong ở tận mấy người Thượng vừa hái để nấu cho thơm.
Còn nhiều món nữa khi nào tôi sẽ kể ra thêm,bây giờ tôi đang nhớ má nhiều lắm và thương má quá vì gần đây má yếu người ăn uống ít ỏi ,ngủ cũng ít.Mấy chị cứ biểu tôi về thăm má chớ má cũng nhớ tôi lắm.Tôi sẽ đi liền khi sắp xếp xongmấy giấy tờ quan trọng.Tôi sẽ về thăm má ngày rất gần

Thiên Thanh

Thứ Năm, 24 tháng 6, 2010

AI CŨNG CÓ MẸ

Hồi đó tôi còn nhỏ xíu, đâu khoảng preschool trước khi vô lớp một tiểu học. Tôi còn nhớ đi tới cái đầu dốc có lớp học nho nhỏ nấp mình sau mấy gốc thông, bên kia là bờ rào của một cái chuồng bò, mà chỉ khoảng chừng 3,4 con..
Mỗi lần giờ break tụi tôi một đám 7,8 đứa con nít khi chơi chuyền thẻ, lúc giải ranh hoặc lò cò...có khi lại chạy ra bờ rào nhìn qua bên kia thấy mấy con bò đang đứng, nằm nhai cỏ chỉ. với đầu óc non nớt chúng tôi nghĩ rằng mấy con bò này sướng thiệt, chả cần phải học hành gì cả..

Một bữa nọ nhằm giờ chơi. tụi tôi tụm 5, tụm 3 sau ván chơi giải ranh đang cải nhau ỏm tỏi, bỗng nghe có tiếng bò rống thiệt là thê thiết, thương đau lắm. Chúng tôi chạy tới bờ rào nhìn qua thấy chỉ còn 2 con, một con chắc là bò mẹ, còn con kia là bê con. Người ta lấy dây thừng buộc vào cổ con bò mẹ nắm đẩy kéo đi, nó dùng dằng trì kéo lại, kêu bò bò nghe thảm thiết, còn con bê con thì cứ nhảy tới bám sát theo mẹ, sau một hồi trì kéo..bỗng nhiên tôi thấy từ mắt con bò mẹ lăn ra 2 giọt nước mắt một điều thiệt hiếm có, chắc nó nghĩ đi là vĩnh biệt mãi mãi... Những giọt nước mắt theo ám ảnh tôi suốt mấy ngày, tôi bỏ cả ăn ngủ nằm li bì. thương cho con bê con mất mẹ. Tiếng kêu tuyệt vọng của nó làm tôi liên tưởng"mẹ ơi mẹ ơi đừng bỏ con.."thiệt là chua xót...


Thiên Thanh

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2010

BA TÔI và BÓNG ĐÁ


Tôi còn nhớ khi tôi nhỏ xíu xiu, học lớp nhì,lớp nhất trường làng, tôi thường thấy ba tôi đi đâu về trên tay cầm quả banh da.

Nhà tôi toàn con gái từ chị lớn trở xuống trừ người em kế là trai lúc đó được 7,8 tuổi. Ba tôi dạy cho em khi tập dồng banh, khi đá trong sân xi măng trước nhà. Người chị kế tôi thì ba cho giả làm trai để có "đối tác" chơi với em. Thế là tôi nghiễm nhiên trở thành "khán giả". Rồi tôi thấy nhiều tấm hình ba trong đội banh "Lâm Tuyền" ở Đalat -Dran. Ba tôi ở góc trái (Gauche) hàng tiền vệ. Lúc đó người ta gọi ba tôi là đội banh ông Xu vì Ba tôi trong ban thành lập và cũng vì ba tôi là surveillant Sở công chánh lục lộ làm đường từ Đalat xuống Dran ngang qua Trại Mát, Trại Hầm.

Có tấm hình ba tôi lãnh được cái Cup vì nghe nói ba chuyền banh rất giỏi, chuyên môn chuyền banh cho hậu vệ "xút" vào khung thành.. Tôi còn nghe má tôi kể có những buổi tiệc mừng và lãnh được tiền thưởng của những lần thắng giải khi giao đấu với các đội banh từ Khánh Hoà, Nhatrang, Dilinh, Lâm Đồng..Vào những năm 1959,60 tiền thưởng đó rất lớn...Rồi tôi lại thấy những tấm hình ba tôi lãnh giải thưởng hay Cup về bơi lội,Tennis .

Nói về Tennis, khi nhà tôi chuyển qua ở Banmêthuột, nhà ở đường Hùng Vương, ngay trước mặt là một sân Tennis.Ba tôi rất thích thể thao và ba trở thành kiện tướng lão thành của làng tennis.

Tôi thấy trong nhà nhiều cup lớn nhỏ màu vàng màu bạc..Có 1 cái nhỏ xinh xắn tôi xin ba tôi để đựng bút viết...Và ba cũng chẳng tha mấy chị em gái tôi, dưới giàn hoa thiên lý dạo đó là một bàn ..bóng tròn Pingpong, sau giờ học hành đan thêu thì mấy chị em có thể chơi pingpong giải trí.

Đó là những kỷ niệm về thể thao và bóng đá của ba.

Thiên Thanh
June 20, 2010 8:52 PM

Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2010

THÁNG TƯ THƠ GỞI BẠN

Có thể thơ tôi sẽ cạn dòng
Trả nợ bạn hiền vẫn chưa xong
Hẹn lần một sớm về thăm bạn
Vậy mà,mãi vẫn chỉ ước mong

Tháng Tư lại gởi một vần thơ
Tháng Tư ký ức chẳng phai mờ
Tháng Tư bạn hữu buồn xa cách
Tháng Tư quay quắt nỗi bơ vơ!

Tôi biết quê nhà vạn khổ đau
Bạn hiền mấy đứa dưới mộ sâu
Loe nghoe còn lại vài thân xác
Siêu bạt phách hồn đã từ lâu

Tôi vẫn lang thang ở xứ người
Nỗi buồn vong quốc khó nào nguôi
Tháng Tư gởi bạn dòng thơ thẩn
Gởi cả lòng tôi hởi bạn ơí!

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

GÁC TRĂNG


Hồi đó gia đình tôi ở NhaTrang, gia đình thật ra chỉ có tôi và con gái nhỏ. Sau 1975 Nhà tôi đi học tập cải tạo (đi tù),tôi và con gái nhỏ tiếp tục sống ở trong căn nhà nhỏ nép mình sau mấy gốc dừa, đi bộ ra biển chừng độ mươi lăm phút..
Trên tầng thượng là một căn gác nhà tôi lợp một góc mái tranh như mái nhà sàn, bạn bè lên chơi thường gọi là "Gác trăng" vào những đêm khi có ánh trăng tràn về chảy trên mái lá, chiếu qua hàng dừa trông thật thơ mộng. Chúng tôi uống càphê, nghe mùi gió biển từ xa như có tiếng sóng ầm ì. Hàng lan trắng đung đưa thoang thoảng...
Các bạn bè đề nghị chúng tôi mở quán càphê "Gác trăng" để có một nơi tụ họp bạn bè hàn huyên sau mỗi ngày lao động cực nhọc. Chúng tôi cũng đồng ý, nhưng rồi lần lửa vì chuyện "đi ra biển" anh cứ hỏi tôi muốn đi hay muốn ở lại. Tôi thì nghĩ đi vì tương lai con cái nên cuối cùng chuyện "Gác trăng "gác lại.. Một người bạn là Họa sĩ Rừng vẽ tấm phông có hình ảnh ánh trăng trên núi chếch xuống biển tặng chúng tôi làm kỷ niệm.
Nhưng rồi Gác Trăng chưa hoàn tất chúng tôi đi ra biển 3 lần 4 lượt, cứ đi bị bắt lại về tiếp tục đi đến khi thật là chán nản, không muốn nghĩ đến nữa thì giấy tờ xuất cảnh đến.
Thế là Gác Trăng vẫn còn trong tâm tưởng, cho đến bây giờ tôi mơ về gác trăng hàng dừa lung lay trong gió thoang thoảng mùi caphê tiếng nhạc nhè nhẹ, giọt càphê tí tách, hương quỳnh ban đêm quyến rũ và những giò lan vẫn đong đưa đong đưa...

Thanhtài

Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

NHỚ MẸ


Mẹ ơi phương xa mẹ có hay!
Lòng con nhớ mẹ dáng hao gầy
Những ngày mẹ ốm không kề cận!
Dâng bát cháo vơi,chén thuốc đầy!

Công lao dưỡng dục con luôn nhớ!
Tuổi mẹ càng cao đôi mắt mờ
Con không dìu được đôi chân đỡ
Tựa cánh tay ôm ,tựa mái đầu!

Ngày về thăm mẹ quá xa xôi!
Lòng con nhớ mẹ đến bồi hồi!
Mẹ ơi thương mẹ con nhớ quá!
Dáng mẹ còng lưng ,dáng mẹ ngồi!!

Thiên Thanh

Thứ Ba, 4 tháng 5, 2010

CHÚ TIỂU CÔNG PHU


Ta điểm công phu nhắc thời kinh
Nhắc những can qua, những cựu hình
Vang động càn khôn, tâm thức dậy
Buông hết tà kiến, xả vô minh!

Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2010

30-4-1975: Trận Chiến Cuối của Hổ Xám Phạm Châu Tài- LD81- BCND


Dấu binh lửa, nước non như cũ
Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương….
Trích Chinh Phụ Ngâm- Đoàn Thị Điểm

(Một trong những câu chuyện về những “Người lính” thật sự đã làm nên Quân Lực VNCH là bài viết dưới đây của nhà văn Hoàng Khởi Phong, viết về “Hổ Xám Phạm Châu Tài”, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật Số 3 của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, người chịu trách nhiệm trấn cửa cuối cùng tại Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH).

Đầu năm 1975 vì nhu cầu chiến trường, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù phải chia ra làm hai cánh quân hoạt động cách xa nhau. Đại Tá Phan Văn Huấn và hai Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật Số 1 và Số 2 đang hành quân nhảy toán trong khu vực Bắc Tân Uyên, Biên Hòa.
Riêng Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật Số 3 do Thiếu Tá Phạm Châu Tài chỉ huy tăng phái cho Sư Đoàn 25 Bộ Binh hành quân tại Tây Ninh.
Giữa Tháng Tư 1975, lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu gọi toàn bộ liên đoàn rút về trấn giữ Saigon, và được trải ra để hoạt động trong một vùng khá rộng chung quanh đô thành Saigon – Chợ Lớn – Gia Định.
Ngày 26 Tháng Tư, Đại Tá Phan Văn Huấn – Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn, sau khi nhận lệnh từ Bộ Tổng Tham Mưu, đã ra lệnh cho Thiếu Tá Phạm Châu Tài – Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật Số 3 của Liên Đoàn, đem toàn bộ cánh quân do Thiếu Tá Tài chỉ huy, gồm một ngàn quân thiện chiến về phòng thủ Bộ Tổng Tham Mưu. Thiếu Tá Phạm Châu Tài chuyển quân xong thì trời đã về chiều. Tại Bộ Tổng Tham Mưu Thiếu Tá Tài được Đại Tá Tòng Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh Bộ Tổng Mưu đón tiếp niềm nở.Kế đó Đại Tá Tòng giao việc phòng thủ Bộ Tổng Tham Mưu lại cho Trung Tá Đức, Chỉ Huy Phó Tổng Hành Dinh phối hợp với quân số tăng phái của Thiếu Tá Phạm Châu Tài. Đó lần duy nhất Thiếu Tá Phạm Châu Tài được tiếp xúc với Đại Tá Tòng, sau đó ông đại tá này biến mất cho tới tận bây giờ.
Trung Tá Đức đưa Thiếu Tá Tài đi quan sát chung quanh bức tường thành bao quanh Bộ Tổng Tham Mưu, và đề nghị toàn bộ đơn vị của Thiếu Tá Tài vào nằm trong vòng thành, để cố thủ bên trong vòng đai của Bộ Tổng Tham Mưu.Thiếu Tá Phạm Châu Tài khựng lại trước đề nghị cố thủ bên trong vòng đai. Dường như cả hai vị sĩ quan của Bộ Tổng Tham Mưu mà ông tiếp xúc không một ai nắm vững khả năng của lực lượng Biệt Cách Dù, bởi vì cố thủ hay tử thủ gì đó không phải là chiến thuật sở trường của Biệt Cách Dù..
Từ Mậu Thân cho đến Mùa Hè 72, Biệt Cách Dù nổi danh nhất là đánh đêm trong thành phố. Những trận đánh tại Ngã Ba Cây Thị, khi địch đã tràn vào trà trộn trong dân chúng, hay đã lẩn vào trú ẩn trong các căn nhà dân chạy loạn bỏ trống. Trong tình hình đó lối đánh sát phạt của Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân chắc chắn sẽ giải quyết được chiến trường nhưng cũng sẽ làm cho nhà cửa, sinh mạng của dân chúng bị vạ lây không ít.
Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù đã dương danh trong những trận đánh này, tiến chiếm từng ngôi nhà, từng con ngõ, từng khu phố… Nếu bỏ toàn đơn vị của Thiếu Tá Tài vào nằm bẹp trong Bộ Tổng Tham Mưu, thì chẳng khác gì nhốt một con chim vào trong một cái lồng hẹp, sẽ bị dụ vào thế phòng thủ hoàn toàn thụ động, không có chỗ xoay trở.
Thiếu Tá Phạm Châu Tài thẳng thắn trình bày ý niệm phòng thủ của ông là tấn công địch trước, và được Trung Tá Đức đồng ý để Thiếu Tá Tài hoàn toàn tự do bố trí, trải quân của Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật Số 3 của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù.
Ngay từ khi mới ngừng xe ở trước cổng chính của Bộ Tổng Tham Mưu, Thiếu Tá Phạm Châu Tài đã nhìn thấy một điều, ông phải bung quân ra xa. Phải chặn địch ngay trên những con đường chính dẫn về Bộ Tổng Tham Mưu. Lúc đó trời đã nhá nhem tối, Thiếu Tá Tài tạm thời cho quân tập trung vào sân banh của Bộ Tổng Tham Mưu, và đó có lẽ cũng là một đêm hiếm hoi mà binh sĩ của ông tạm có thể coi là có dịp nghỉ ngơi, để lấy lại hơi thở cho chính họ, trước khi phải lao vào trận đánh cuối cùng.
Trong thâm tâm Thiếu Tá Phạm Châu Tài, ông sinh ra ngay tại đất Gia Định này, lớn lên tại Saigon nên ông có thể nhắm mắt cũng biết, để có thể ngăn chặn địch xung phong vào Bộ Tổng Tham Mưu, đơn vị của ông phải bung ra xa. Phải chặn đánh địch xâm nhập ngay từ khi chúng mới ló đầu ra ở Bà Quẹo, Ngã Tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, Trung Tâm Tiếp Huyết, đường Võ Di Nguy… Với một địa bàn quá rộng như thế, phải cần quân số của cả Liên Đoàn, nghĩa là ba ngàn người. Thế nhưng toàn thể Liên Đoàn được đưa về Saigon không phải chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là phòng thủ cho Bộ Tổng Tham Mưu. Rất nhiều nơi quan yếu khác cần đến những người lính Biệt Cách Dù, những người lính chuyên về đánh đêm trong thành phố.
Đêm 26 Tháng Tư qua đi trong yên tĩnh, trọn buổi sáng 27, Thiếu Tá Phạm Châu Tài lo bố trí quân tại những địa điểm cần thiết, để có thể chận đánh, tiêu diệt những chiến xa mở đường của địch quân.
Sau khi rải quân xong, Thiếu Tá Phạm Châu Tài được lệnh lên trình diện Trung Tướng Nguyễn Văn Minh Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Độ Từ cổng ngoài của Biệt Khu Thủ Đô, một chiếc xe tuần tiễu Quân Cảnh dẫn đường cho xe của Thiếu Tá Tài đến văn phòng của ông tư lệnh. Trong lúc này Tướng Nguyễn Văn Minh đang bàn thảo với Tướng Đỗ Kiến Nhiễu, chung quanh hai vị tướng này có vài đại tá. Nhìn thấy Thiếu Tá Tài đi cùng người lính Quân Cảnh, tướng Minh đứng dậy tiến hẳn ra bắt tay rất niềm nở, và nói với Thiếu Tá Tài: “Em về đúng lúc lắm”. Sau một cuộc tiếp xúc ngắn không đầy mười phút, Tướng Minh yêu cầu Thiếu Tá Tài qua thăm phối hợp với Đại Tá Châu Văn Tiên – Tỉnh Trưởng Gia Định. Nhiều năm sau này Thiếu Tá Tài được biết, ngay sau buổi hội kiến ngắn ngủi đó (ngày 27 Tháng Tư), Trung Tướng Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô biến mất.Buổi chiều 27 Tháng Tư, Bác sĩ Ngô Thế Vinh cưỡi Vespa đến thăm Thiếu Tá Phạm Châu Tài tại Bộ Tổng Tham Mưu.
Bác sĩ Ngô Thế Vinh mang từ trong cốp xe ra một cặp rượu cho Thiếu Tá Tài và nói: “Có Hổ Xám về đây tôi thấy ấm lòng”. Thiếu Tá Tài đưa Bác sĩ Vinh lên sân thượng của building số 1, một tòa nhà cao sáu tầng nằm đối diện với cổng số 1 của Bộ Tổng Tham Mưu, ở đó Thiếu Tá Tài chỉ tay ra xa, giải thích cho bạn biết những nơi ông đã rải quân chặn địch. Từ nóc tòa nhà cao nhìn ra tứ phía, bạt ngàn tầm mắt là nhà cửa của dân chúng, kể cả những cao ốc khác nằm đó đây trong lòng Saigon, tất cả như co mình lại, lún xuống thấp để chờ những cơn mưa. Không phải những cơn mưa đầu mùa, mà là những cơn mưa pháo mà Cộng quân đã từng bắn không thương tiếc vào An Lộc, Kon Tum, Bình Long, trên đại lộ kinh hoàng, trên Liên Tỉnh Lộ 7B… Vào lúc này dân khắp nơi đổ xô về Saigon, khiến cho dân số thủ đô của miền Nam gia tăng đến chóng mặt. Dễ chừng có tới bốn triệu con người trong một thành phố chật hẹp.
Trên sân thượng này Thiếu Tá Phạm Châu Tài và Bác sĩ Ngô Thế Vinh cùng không nói nhiều, chỉ trao đổi với nhau những câu ngắn và gọn, nhưng dường như họ đồng cảm với nhau về những suy nghĩ. Cả hai đều có điều kiện để cao bay xa chạy, thế nhưng
Bác sĩ Ngô Thế Vinh khi nói với bạn, không bao giờ dùng tên hay cấp bậc. Với ông, Thiếu Tá Phạm Châu Tài là “Hổ Xám”. Danh hiệu này đã thành từ nhiều năm nay do một sự tình cờ, từ khi Thiếu Tá Phạm Châu Tài còn là các toán A trưởng, hoạt động song song với các toán Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ. Các người bạn Mỹ khi phát âm TÀI không chuẩn, nghe như TAI (TIGER), và danh hiệu HỔ XÁM ra đời từ đó. Hổ Xám không phải là một danh hiệu gọi cho kêu, cho oai. Để có được danh hiệu này, Thiếu Tá Phạm Châu Tài đã cống hiến cho quân đội toàn bộ tuổi trẻ của ông, đã lao mình vào không biết bao nhiêu trận đánh trong suốt mười năm chinh chiến. Và nếu như HỔ XÁM phải nằm xuống, sẽ có rất nhiều máu của địch quân phải đổ ra. Chính vì vậy mà trong những ngày sau cùng, đã có rất nhiều lần Thiếu Tá Phạm ChâuTài được các người quen có thế lực, có tiền của rủ ra ngoại quốc, song chưa bao giờ ông có ý nghĩ bỏ lại anh em, bỏ lại đồng đội. Chẳng những thế từ khi cơn bão lửa dấy lên từ bờ sông Thạch Hãn, thổi dọc theo dãy Trường Sơn, thổi xuôi theo Quốc Lộ 1 xuống phía Nam, Hổ Xám Phạm Châu Tài chưa bao giờ có ý nghĩ đầu hàng, ông toàn chỉ nghĩ đến cách nào để chiến đấu với quân địch ở ngay trước mắt. Ông cũng không có thời giờ để nghĩ đến vợ con, ngay cả lúc đã được đưa về trấn cửa Bộ Tổng Tham Mưu, chỉ cách nơi vợ con ông trú ngụ trên đường Trương Minh Giảng gần Đại Học Vạn Hạnh không đầy ba cây số.
Ngày 27 Tháng Tư rồi cũng qua đi, nhìn chung không khí Saigon cực kỳ sôi động. Vì phải đôn đốc binh sĩ dưới quyền, nằm rải rác chung quanh Bộ Tổng Tham Mưu, trong ngày 27 Tháng Tư, có đôi lần Thiếu Tá Phạm Châu Tài ghé ngang cổng Phi Long của phi trường. Ông nhìn thấy những đoàn người tìm cách chạy trốn ra ngoại quốc qua ngả phi trường. Không mấy hứng thú trước cảnh này, Thiếu Tá Phạm Châu Tài quay về với các binh sĩ của ông.
Trong đêm 27 Tháng Tư, ông cảm nhận được bầu không khí thoi thóp không phải chỉ của Saigon mà thôi. Những tiếng động ầm ì từ phi trường Tân Sơn Nhất, những tiếng súng đại bác bắn đi từ Phú Lâm vọng về, thỉnh thoảng những ánh đèn nhấp nháy của những chiếc máy bay đơn lẻ vụt qua trên nền trời tối sẫm.
Sáng ngày 28 Tháng Tư, trong lúc đang thị sát binh sĩ tại những ổ kháng cự, Thiếu Tá Phạm Châu Tài nhận được điện thoại của một sĩ quan Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu, tự xưng là Đại Úy X (đã quá lâu nên Thiếu Tá Phạm Châu Tài quên mất tên của vị sĩ quan này). Qua điện thoại vị sĩ quan này lớn tiếng:- Tôi báo động cho thiếu tá biết, thằng Cao Văn Viên đã bỏ đi rồi.Thiếu Tá Phạm Châu Tài ôn tồn nói với vị sĩ quan này:- Đại úy không nên dùng những ngôn ngữ đó. Dù sao Đại Tướng Viên cũng là Tổng Tham Mưu Trưởng của toàn thể quân đội, và việc bỏ đi của Đại Tướng Cao Văn Viên thuộc về lịch sử. Để lịch sử sau này sẽ phán đoán việc làm của đại tướng. Tôi sẽ tới Phòng 3 ngay bây giờ, chuyện đâu còn có đó.
Khi Thiếu Tá Phạm Châu Tài quay trở lại Bộ Tổng Tham Mưu, ông không gặp vị sĩ quan đã gọi điện thoại cho ông. Hầu như Phòng 3 trống trơn, Thiếu Tá Tài không còn tin vào cặp mắt của mình. Xe cộ chạy dọc ngang, các sĩ quan cao cấp có xe Jeep chở đầy đồ đoàn trên xe. Người ta chạy tứ tung, kêu gọi nhau ơi ới. Nhìn ra ngoài cổng chính cũng như cổng phụ của Bộ Tổng Tham Mưu người ta ra vào lũ lượt. Vẫn còn những toán lính Quân Cảnh mang sắc phục hành sự tại hai điếm canh, song hình như họ cũng đứng đó bất lực như Thiếu Tá Phạm Châu Tài.
Trong buổi sáng 28 Tháng Tư tại Bộ Tổng Tham Mưu, văn phòng của Đại Tướng Cao Văn Viên trống trơn. Các phòng, ban của Bộ Tổng Tham Mưu chỉ vài tháng trước nhộn nhịp kẻ ra người vào, quân nhân các cấp ra vào áo quần thẳng tắp, giờ đây sáng ngày 28, Thiếu Tá Phạm Châu Tài thấy cơ quan đầu não của Quân Lực VNCH vắng lặng như tờ. Ông chua chát nhận chân được thế nào là một đoàn quân không có tướng cầm đầu. Ông nghiệm lại từ lúc về trình diện tăng phái về trấn cửa cho Bộ Tổng Tham Mưu, được Đại Tá Tòng – Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh, tiếp vào lúc xế chiều của ngày 26 Tháng Tư, tới bây giờ là 10 giờ sáng của ngày 28 Tháng Tư, chưa một lần nào Thiếu Tá Tài nhìn thấy bóng dáng ông Đại Tướng Cao Văn Viên. Không hiểu trong những giờ phút thập tử nhất sinh như thế này, ông đại tướng ở đâu, làm gì. Ngay cả ông Đại Tá Tòng cũng biến mất không thấy tăm hơi. Trong sân Bộ Tổng Tham Mưu, quân nhân các cấp người chạy lên, kẻ chạy xuống như là những quân đèn cù. Xe Jeep, xe Dodge phun khói mờ trời đất. Nhiều chiếc xe còn kéo theo cả móc hậu, bên trong đầy đồ đạc, dụng cụ. Ai nấy đều như mê sảng.
Trong hoàn cảnh đó, Thiếu Tá Phạm Châu Tài cho dù muốn xin một cái lệnh của cấp trên, cũng sẽ không tìm ra một sĩ quan cao cấp nào để ban hành lệnh.
Khoảng 11 giờ trưa ngày 28 Tháng Tư, Thiếu Tá Phạm Châu Tài gọi điện thoại liên lạc với Đại Tá Phan Văn Huấn, lúc đó đang đóng quân ở Suối Máu – Biên Hòa, để trình bày tình hình ở Bộ Tổng Tham Mưu. Trong khoảng hai, ba tiếng đồng hồ liền Bộ Tổng Tham Mưu như là cảnh tan chợ chiều.
Vào khoảng 3 giờ chiều, Đại Tá Phan Văn Huấn đích thân lái xe từ Suối Máu về gặp Thiếu Tá Phạm Châu Tài, thì tình hình ở Bộ Tổng Tham Mưu đã dịu xuống, những ai muốn TAN HÀNG khi chưa có lệnh TAN HÀNG đã không còn hiện diện tại đơn vị. Hai vị chỉ huy của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù trao đổi với nhau vài câu ngắn ngủi, rồi chia tay để mỗi người quay về với nhiệm vụ của mình.
Khoảng 4 giờ rưỡi chiều, một nhân viên của Tổng Hành Dinh Bộ Tổng Tham Mưu liên lạc với Thiếu Tá Tài, mời lên gặp Đại Tá Trần Văn Thăng, một sĩ quan thâm niên của Cục An Ninh Quân Đội, không hiểu do lệnh của ai, đã được đưa về thay thế cho Đại Tá Tòng trong chức vu. Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh Bộ Tổng Tham Mưu. Khi hội kiến xong trở ra, Thiếu Tá Tài nhận thấy Đại Tá Thăng có lẽ là người phúc hậu, một cấp chỉ huy đàng hoàng tử tế, chứ không phải một sĩ quan tác chiến dầy kinh nghiệm. Thật tình mà nói thì Đại Tá Thăng không phù hợp với tình thế dầu sôi lửa bỏng trong lúc này.
Khoảng 5 giờ chiều ngày 28 Tháng Tư, trong lúc Thiếu Tá Phạm Châu Tài đang đứng trên nóc một cao ốc gần Bộ Tổng Tham Mưu, nơi bố trí của một toán Biệt Cách Dù thì thấy một phi đội A37 bay vụt qua trên đầu, Thiếu Tá Tài nghĩ là phi cơ của Không Quân đi oanh tạc ở đâu về.. Bốn chiếc A37 bay thật thấp xẹt qua các nóc cao ốc, rồi hướng về phía phi trường Tân Sơn Nhất. Thế rồi Thiếu Tá Tài thấy những cụm lửa, khói bốc lên ở phi trường. Té ra không phải là máy bay của phe ta mà là phi cơ địch bỏ bom xuống phi trường.
Phản ứng đầu tiên của Thiếu Tá Tài là ra lệnh cho binh sĩ của ông phòng thủ trên các cao ốc chĩa hết súng, kể cả súng cá nhân lên trời đề bắn hạ các phi cơ này, nếu chúng quay lại bỏ bom vào Bộ Tổng Tham Mưu là nơi mà ông chịu trách nhiệm phòng thủ. Tất cả chỉ xảy ra trong vòng vài phút, chỉ một pass bom, song phi đạo chính của phi trường Tân Sơn Nhất đã bị hư hại nặng. Mãi mấy tiếng đồng hồ sau, qua làn sóng của đài phát thanh VC, Thiếu Tá Phạm Châu Tài mới biết được mấy chiếc A37 đó là của Không Quân VNCH, bị bỏ lại ở ngoài Trung AQ khi các đơn vị ở đó triệt thoái xuống phía Nam. Các phi cơ này do tên phản bội Nguyễn Thành Trung hướng dẫn, bay từ phi trường Phan Rang vào oanh tạc phi trường Tân Sơn Nhất.
Sau khi Đại Tá Thăng nhận nhiệm vụ, lệnh đầu tiên và có lẽ cũng là lệnh duy nhất của ông ban ra trong tư cách Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh là kể từ giờ không một ai được phép RA khỏi Bộ Tổng Tham Mưu, còn người VÀO, thì có lẽ trong giờ thứ 25 này, mấy ai còn nghĩ đến việc quay trở lại một địa điểm sắp làm mồi cho lửa đạn.
Sau khi phi trường bị mấy chiếc A37 bỏ bom bất ngờ, vào khoảng 6 giờ chiều, Tướng Nguyễn Văn Chức từ Bộ Tổng Tham Mưu lái xe Jeep ra ngoài, bị lính Quân Cảnh chặn lại, nhưng ông Chức vẫn muốn lái xe ra ngoài, thấy vậy các binh sĩ Biệt Cách Dù can thiệp, và yêu cầu Tướng Chức quay trở lại.
Suốt đêm 28, tiếng súng lớn nhỏ ở khắp nơi vọng về, song tại khu vực phòng thủ của Thiếu Tá Phạm Châu Tài tình hình lắng dịu.
Ngày 29 Tháng Tư, Bộ Tổng Tham Mưu đã có một Tổng Tham Mưu Trưởng khác: Trung Tướng Vĩnh Lộc. Vì Tướng Cao Văn Viên đã chuồn, cho nên không hề có lễ bàn giao giữa hai ông tân và cựu Tổng Tham Mưu Trưởng. Dầu sao thì sự hiện diện của một ông tướng cũng vãn hồi phần nào bộ mặt của Bộ Tổng Tham Mưu, khiến cho cơ quan đầu não này có một chút sinh khí. Thiếu Tá Phạm Châu Tài thấy một số tướng lãnh khác cũng tới cùng với khá nhiều sĩ quan cấp đại tá.
Buổi chiều ngày 29 Tháng Tư, Tướng Vĩnh Lộc và một số tướng lãnh hội họp với nhau ngay tại phòng khánh tiết của Tổng Tham Mưu Trưởng. Buổi họp giống như một buổi tiếp tân nhiều hơn là một cuộc họp trong tình thế cực kỳ khẩn trương. Hầu như không một vị sĩ quan nào ngồi trên ghế, có tới vài chục vị đứng quây quần với nhau thành nhiều nhóm.
Thiếu Tá Phạm Châu Tài được gọi lên tương kiến trong buổi họp kỳ lạ này. Cùng đi với Thiếu Tá Tài là bốn người lính cận vệ, và cả Thiếu Tá Tài ai nấy đều trang bị vũ khí khắp người. Thiếu Tá Tài được giới thiệu như là một người hùng. Ông ghi nhận được trong buổi họp này ngoài Trung Tướng Vĩnh Lộc, tân Tổng Tham Mưu Trưởng còn có sự hiện diện của Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, và một chuẩn tướng nữa có bảng tên là Hỷ (không có họ) và sau cùng có chừng mười mấy vị phần lớn là đại tá.
Sau khi được các sĩ quan cao cấp bắt tay khích lệ, Thiếu Tá Tài được Trung Tướng Có hỏi thăm về tình trạng đơn vị, và nhắn nhủ:
- Em ráng giữ Bộ Tổng Tham Mưu cho tới sáng ngày mai. Ráng giữ nguyên vẹn cho tới ngày mai. Đã có giải pháp.Thiếu Tá Phạm Châu Tài ngửng mặt lên nhìn thẳng vào mắt các tướng lãnh trong phòng họp rồi bằng một thái độ quả quyết, một giọng nói tự tin trả lời cho Trung Tướng Nguyễn Hữu Có:
- Tôi xin cam đoan với quý vị tướng lãnh và các vị sĩ quan trong phòng họp này, là trong đêm nay sẽ không có một con kiến, một con ruồi nào lọt được vào Bộ Tổng Tham Mưu chứ đừng nói tới một thằng VC. Kế đó Trung Tướng Có hỏi Thiếu Tá Tài có cần ông giúp đỡ gì không.Thiếu Tá Tài nhân đó xin rút một biệt đội của ông đang phải nằm án ngữ tại Lục Quân Công Xưởng về, để tăng cường cho quân số phòng thủ Bộ Tổng Tham Mưu, vì cả đơn vị có một ngàn người còn phải chia mất một phần tư lực lượng, bị xé quá mỏng không có được một đại đội làm tuyến phòng thủ cuối cùng trong Bộ Tổng Tham Mưu.
Nghe vậy Trung Tướng Có bốc điện thoại gọi và cho kết quả ngay. Buổi họp cấp kỳ tại Bộ Tổng Tham Mưu diễn ra không lâu, sau khi các sĩ quan cao cấp rời khỏi phòng khánh tiết, cái không khí đìu hiu của buổi sáng lại diễn ra. Tuy nhiên buổi chiều đó biệt đội phòng thủ tại Lục Quân Công Xưởng được trả về cho Thiếu Tá Tài.
Đêm 29 Tháng Tư súng nổ ở nhiều nơi vọng về chỗ đóng quân của Thiếu Tá Tài. Binh sĩ dưới quyền ông chạm súng lẻ tẻ với địch ở nhiều nơi, nhưng các đứa con được bung ra không bị một thiệt hại nhỏ nhoi nào. Thiếu Tá Phạm Châu Tài cảm nhận được một điều là tinh thần chiến đấu cũng như hàng ngũ của đơn vị ông vô cùng vững chãi. Cho dù trên cái vòm chỉ huy của quân đội, các ngôi sao cứ tuần tự băng trong bóng tối của trận chiến sau cùng. Ông vững lòng với binh sĩ thuộc hạ, không hề có một ổ kháng cự nào bị bỏ ngỏ.
Đêm 29 Tháng Tư năm 1975, có thể là một đêm dài vô tận với hầu hết mọi người quân như dân, ai nấy đều co mình lại chờ sáng, thậm chí mắt căng ra không ngủ được, nhưng với Thiếu Tá Phạm Châu Tài thì khác, ngoại trừ những lúc phải đi kiểm soát binh sĩ dưới quyền, ngoại trừ những lúc phải chỉ huy, ông đã ngủ rất ngon trong những giờ trống. Sở dĩ Thiếu Tá Phạm Châu Tài ngủ ngon, vì ông đã xác định hẳn cho cá nhân mình cũng như toàn đơn vị một ý chí duy nhất: Giữ cho được Bộ Tổng Tham Mưu không phải chỉ một đêm nay, mà là nhiều đêm sau nếu cần, cho tới khi nào có được giải pháp cuối cùng cho miền Nam.
Tờ mờ sáng ngày 30 Tháng Tư 1975, Cộng Quân tiến vào Saigon qua nhiều ngả. Thiếu Tá Phạm Châu Tài thầm nhủ với mình là giờ phút cuối cùng đã điểm. Ông liên lạc với các thuộc cấp, dặn dò họ những khẩu lệnh cuối. Qua các máy truyền tin, ông biết bộ binh của CS đã được các xe tăng dẫn đầu bứng các chốt kháng cự một cách nhanh chóng. Phía trước của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, những khóa sinh chưa kịp ra trường đã tiến ra mặt trận, mà mặt trận đâu có xa xôi gì. Bên ngoài vòng đai trung tâm huấn luyện chính là nơi trận chiến cuối cùng đang diễn ra. Thế những những người lính chưa kịp ra lò này đã có một bài thực tập tốt về chống chiến xa. Hai chiến xa của địch đã bị bắn hạ tại đây, thế nhưng những chiếc khác vẫn cứ thẳng đường tiến về Saigon. Núp theo sau những chiến xa này, là những chiếc xe vận tải chuyển quân, trên đó chất đầy những cán binh CS, với quần áo còn có lá cây ngụy trang trên nón.
Cổng trại Phi Long- Lăng Cha Cả, tăng địch bị cháy do súng M72 bắn rất gần
Tới Ngã Tư Bảy Hiền, cánh quân này bắt đầu đụng độ với Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật Số 3 của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, do Thiếu Tá Phạm Châu Tài chỉ huy, và bị bắn hạ một chiếc dẫn đầu tại Ngã Tư Bảy Hiền. Những chiếc sau vẫn tuần tự tiến tới, thậm chí Cộng quân cũng không hề ngừng lại phản công tại những địa điểm có ổ kháng cự của những người LÍNH cuốicùng. Cánh quân này lướt qua để tiến về trung tâm thủ đô. Các binh sĩ Biệt Cách Dù vừa đánh vừa rút theo với đà tiến của địch. Hai chiếc tăng khác của Cộng Quân bị bắn hạ ở cổng PhiLong, một chiếc bị bắn hạ ở Lăng Cha Cả. Và bây giờ thì Cộng Quân đã có mặt tại vòng đai của Bộ Tổng Tham Mưu. Hai chiếc tăng nữa bị hạ ngay gần cổng Bộ Tổng Tham Mưu. Các binh sĩ Biệt Cách cũng đã rút về, tập họp khá đầy đủ chung quanh cấp chỉ huy của họ, và tuyến phòng thủ cuối cùng cũng đã thiết lập xong. Mấy trăm người LÍNH hờm súng về phía trước, mắt căng ra chờ địch quân tiến vào.
Vào khoảng hơn 9 giờ sáng của ngày 30 Tháng Tư 1975, qua tần số của máy truyền tin, Thiếu Tá Phạm Châu Tài nhận được lệnh của một sĩ quan Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu yêu cầu ngưng bắn. Ông đã khước từ tuân hành lệnh này, và trả lời cho vị sĩ quan này là ông chỉ nhận lệnh trực tiếp với ông Tổng Tham Mưu Trưởng mà thôi. Những người lính Biệt Cách Dù vẫn giữ nguyên vị trí phòng thủ trong vòng đai Bộ Tổng Tham Mưu.
Vào khoảng mười giờ, Thiếu Tá Phạm Châu Tài nghe trên đài phát thanh truyền đi lệnh của Đại Tướng Dương Văn Minh, yêu cầu tất cả quân nhân các cấp của Quân Lực VNCH buông súng. Thiếu Tá Tài bỏ phòng tuyến trở vào một văn phòng của Bộ Tổng Tham Mưu, đích thân gọi điện thoại lên Dinh Độc Lập và được Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh tự nhận là Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH.. Thiếu Tá Phạm Châu Tài cho biết là bây giờ ông muốn được nói chuyện với Đại Tướng Dương Văn Minh, vi. Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Đội.Khoảng chừng 15 phút chờ đợi dài như một thế kỷ, bên kia đâu dây điện thoại mới nghe giọng nói của Đại Tướng Dương Văn Minh cất lên:
- Đại Tướng Dương Văn Minh tôi nghe.
- Thưa đại tướng, tôi là Thiếu Tá Phạm Châu Tài đang chỉ huy Biệt Kích Dù phòng thu? Bộ Tổng Tham Mưu. Chúng tôi được ủy thác phòng thủ tại đây cho tới khi có giải pháp cuối cùng. Cách đây một giờ chúng tôi được lệnh ngưng bắn gọi qua máy siêu tần số, và vừa mới rồi được nghe lệnh của đại tướng trên đài phát thanh kêu gọi ngưng bắn. Chúng tôi xin hỏi lại cho rõ về ngưng bắn là thế nào.
Sau một khắc ngần ngừ, Đại Tướng Minh nói:
- Mình không còn một cái gì để đánh cả. Em chuẩn bị bàn giao cho phía bên kia.
- Thưa đại tướng, thế có nghĩa là đầu hàng vô điều kiện.Đầu dây bên kia lại một phút im lặng nặng nề trôi qua, Thiếu Tá Tài nói tiếp vào điện thoại:
- Thưa đại tướng, chúng tôi được lệnh là cố thủ tại đây, và từ sáng tới giờ chúng tôi đã ngăn chặn được các mũi tấn công của địch. Chúng tôi đã bắn cháy 6 chiếc tăng của CS trong khu vực này, mà không hề hấn gì cả. Thưa đại tướng, chúng ta không thể đầu hàng được. Công lao của Quân Lực VNCH trong bao nhiêu năm sẽ…
- Tùy các em.
- Thưa đại tướng, nếu đầu hàng đại tướng có bảo đảm cho sinh mạng của hai ngàn người đang tử thủ tại Bộ Tổng Tham Mưu không.Lại một phút nặng nề nữa trôi qua. Sau cùng Tướng Minh nói:
- Xe tăng của địch quân sắp tiến vào đây. Tùy các em.Và rồi điện thoại bị cúp.Thiếu Tá Phạm Châu Tài buông điện thoại xuống, quay trở lại với phòng tuyến của mình. Ông đã đi qua những hành lang rộng, những văn phòng khang trang của Bộ Tổng Tham Mưu, song ông không bắt gặp một tướng lãnh nào, một sĩ quan cao cấp nào. Khi nghe câu nói cuối cùng của Đại Tướng Dương Văn Minh cho biết là xe tăng của Cộng quân đang sắp tới Dinh Độc Lập, Thiếu Tá Tài đã định trình bày cho Đại Tướng Minh biết, là nếu cần ông sẽ mang quân về cứu đại tướng, vì không thể đầu hàng vô điều kiện được, mà phải có một giải pháp nào đó cho quân đội, cho những người lính.
Quay trở ra phòng tuyến của mình, Thiếu Tá Phạm Châu Tài thấy toàn thể đơn vị của ông vẫn còn súng lăm lăm trong tay, mắt hướng ra ngoài chờ địch quân tiến tới.Đúng vào lúc đó thì tiếng Đại Tướng Dương Văn Minh lại vang lên trên làn sóng phát thanh. Bây giờ không phải là lệnh ngưng chiến tại chỗ, chờ bên kia tới bàn giao, mà lệnh đầu hàng vô điều kiện. Các cánh quân CS từ xa vẫn tiếp tục xít chặt vòng vây quanh Bộ Tổng Tham Mưu, nhưng dường như súng thì đã ngưng nổ, và tất cả chìm trong một sự im lặng ngột ngạt.
Khoảng 15 phút sau dân chúng cư ngụ ở gần Bộ Tổng Tham Mưu kêu gọi rối rít:
- Các ông ơi, đừng đánh nhau nữa. Hòa bình rồi. Đi về nhà đi thôi.Dân chúng ùa tới mang rất nhiều quần áo dân sự, đặc biệt là những áo thun, đưa cho các binh sĩ Biệt Cách Dù:
- Thôi đừng mặc quân phục nữa, thay đồ đi.Thiếu Tá Phạm Châu Tài tập họp binh sĩ dưới quyền lần chót. Ông không còn ra lệnh cho thuộc hạ nữa, mà nói với những người anh em không may mắn của ông một lần cuối cùng:
- Chúng ta là Biệt Cách Dù, không có vụ đầu hàng. Thôi tan hàng, và lặn cho kỹ. Không có vụ đầu hàng…. Biệt Cách Dù không thể đầu hàng…
Hoàng Khởi Phong.

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2010

DỐC MƠ

NHÀ THUỶ TẠ_HỒ XUÂN HƯƠNG DALAT

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010

Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010

CHUYỆN HOA SIM

Viết cho người con gái " Chuyện hoa sim..."

Ngủ đi em giữa chiều hoang biền biệt
Trong giấc mơ người chinh chiến chưa về
Tôi chép chút sót tàn dư dòng lệ
Khóc cho người đa cảm trái tim tôi

Ngủ đi em khi nắng tắt lưng đồi
Gió thu về rờn rợn nước sông xanh
Người con gái với bình hoa tàn lạnh
Giấc thiên thu lạnh lẽo đáy huyệt tàn

Ngủ đi em giữa ngàn sim gió lộng
Trong giấc mơ còn khâu áo cho chồng
Đêm loáng ánh trăng tàn soi cổ mộ
Đợi em về lặng lẽ gió du dương

Thương nhành sim bé dại mọc ven đường
Người chinh chiến không về xa xôi mãi
Ngủ đi em áo ngày xưa còn lại
Rưng rưng buồn tím mắt một người dưng

Ha Vu Lam Y
May, 2005

HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG

NHỚ ĐỨC TRẦN HƯNG ĐẠO

Nhớ xưa Hội Nghị Diên Hồng
Toàn dân cương quyết đồng lòng với nhau
Đánh tan tác lũ giặc Tàu
Bạch Đằng dòng nước đỏ ngầu máu tanh
Ngọn cờ phất tận trời xanh
Bừng bừng khí thế bình minh reo hò
Trần Hưng Đạo lập công to
Ngàn năm sử sách tôn thờ người trung
Miếu thờ ngút khói mênh mông
Vào quì gối lạy tỏ lòng tri ân
Một đời vì nước vì dân
Lòng son thắp sáng xa gần quí yêu

Ngẩn ngơ tiếng nhạn lưng chiều
Nhớ người trung nghĩa chim kêu u hoài

Trầm Vân

CÕI HOA VÀNG Thơ PhạmThiênThư

CÕI HOA VÀNG

Nhà em cuối phố
Cây sầu bắc ngang
Anh mừng muốn khóc
Khi thấy hoa vàng
Bên hàng cây mọc

Cõi giới của nàng
Chút gì mang mang.......

PhạmThiênThư

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2010

THÁNG GIÊNG HOA NỞ


Nếu như trời không gió
Mưa sẽ về đồi thông
Nếu nhà em không đến
Sẽ vô cùng mênh mông

Ðà Lạt chiều xuống thấp
Bóng ai bên hàng cây
Chắc nỗi buồn đứng nấp
Cho trời chiều đầy mây

Bỗng dưng lòng tê cứng
Giá lạnh đâu tìm về
Từ cõi nào sâu thẳm
Nỗi buồn lên tái tê

Giọt sương như lay động
Nõn xanh bên bờ hồ
Bóng em cứ xao động
Trong tim anh từng giờ

Ðà Lạt em không đến
E tháng giêng bớt hồng
Hoa quỳ không còn nở
Giữa vô cùng mênh mông

HUỲNH HỮU VÕ

Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2010

NHỚ MẸ__Thơ của Ba Hải Châu

Nhớ mẹ lòng con mãi thiết tha
Công ơn dưỡng dục nặng bao la
Con vừa no ấm mong đoàn tụ
Mẹ đã lìa trần hận xót xa
Xứ Huế đau buồn ôi chiến cuộc
Cao nguyên khổ lụy bởi can qua
Mẹ về tiên cảnh hầu ngoại tổ
Nhớ mẹ lòng con mãi thiết tha.

1948..Nguyễn Hải Châu

Thứ Tư, 17 tháng 3, 2010

Loạc lạc nhớ quê---Thơ của Ba Hải Châu


Quê ngoại chùa xưa tại đế kinh
Tương dưa đắp đổi biết bao tình
Kể từ thơ dại nương theo Phật
Kế đến ngày khôn sống tự mình

Phước Huệ dập dồn đưa tiếng kệ
Phủ Tam quy vọng động chày kình
Cũng mong về lại thăm nơi cũ
Một chút tình xưa thuở thái bình!

Nguyễn Hải Châu

Thăm chùa xưa

Về thăm quê ngoại tại đế kinh
Chuà xưa vang động tiếng chày kình
Dăm ba cô tiểu lơ thơ học
Bà vải lần tay đếm chuỗi kinh

Phước Huệ chuà đây cảnh đẹp tình
Về nương ba bệ Phủ Tuy Linh
Cổng sau sân trước đầy hoa rụng
Chẳng khác gì đâu ,khác thái bình!!

ThanhTài

Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2010

TRĂNG NGHẸN


Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.
Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống,
Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.

Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.
Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.

Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê vẫn còn đó,
Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.

Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.

Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,
Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân

Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.

Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.

Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,
Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê

Hoài Tường Phong

Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2010

ĐA NẴNG NGÀY RA TRẠI

Quán đèn dầu. Thành phố loang bóng tối
Cảnh đìu hiu. Người lãng đãng, dật dờ
Chỉ một năm! Cứ như sống trong mơ
Phố cằn cỗi, người già nua. Nhức nhối !

Đêm Đà Nẵng, tháng 3, Mùa gió nổi
Quán không tên, leo loét bóng in tường
Nhớ bạn bè. Nhớ đồng cảnh thân thương
Còn nghiệt ngã trong cảnh đời tù tội.

Mới tròn năm đã quá nhiều thay đổi !
Ta về đây mà ngỡ lạc chốn nào
Phố bây giờ: nhà trống giữa rừng sao
Buồn như thể đồng hoang đêm sa mạc.

Một năm thôi! Đủ cho lòng tan tác
Xót nhục hình. Vàng đá tựa bèo trôi
Mắt thâm u. Lời ngậm kín trên môi
Cho nặng trĩu bóng đời mờ nhân ảnh.

Vừa ra trại đã thấy sầu nặng gánh
Đà Nẵng ơi! Ta trở lại đây rồi !
Chi thấy lòng thêm tẻ lạnh mà thôi
Kỷ niệm cũ, thành phố xưa...đã chết !

Mai ta đi tiếng lòng sao nói hết
Câu tâm tình bất chợt thoảng qua mau
Chào Cầu Vòng mới đó đã lạ nhau
Vì Đà Nẵng nay đã thay chủ mới.

Mai ta đi sẽ không cần nhắn gởi
Vì thân thương, dấu ái đã mù khơi
Kẻ biệt tăm, người đang trả nợ đời
Còn ai nữa để mong lần gặp lại !?

Mai ta đi biết đâu là mãi mãi
Không quay về chốn cũ, một thời qua
Đà Nẵng ơi! Dẫu muôn trùng hồ hãi
Vẫn nhớ hoài phố, núi, biển...áo hoa!

HUY VĂN
20-03-1976

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

HOA MAI NHẬT& HOA XÁC PHÁO

Hoa Mai Nhật

Hoa Xác pháo

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2010

Thơ Thụy An

Bóng hồng Thụy An trên đất Bắc(trước 75)

Năm đi cho tháng phai dần!
Mà trong êm ấm đã ngầm phong ba!
Gió cuốn lật úp sơn hà!
Màn che trướng gấm bỗng ra dãi dầu!

Thụy An nữ sĩ

Nàng Tô Thị

Mặc gió rụng tóc xanh từng sợi
Tung ra xa bay với mây trời
Mặc cho nắng dãi mưa phơi
Mặc cho muối mặn đã mời gió sương!
Mặc đời bao hưng tàn phế đổi!
Vẫn đăm đăm luống đợi trông chờ
Mẹ con hóa đá trơ trơ
Mẹ là tin tưởng,con là tương lai

Nữ sĩ Thụy An(Mẹ của thầy BDC)

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2010

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2010

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010

Tháng Giêng

Chào tháng chạp,hôm nào thì đến Tết?
Em mặc áo xanh hay áo thêu hồng
Bầu trời mây ở dưới áng mi cong
Em có muốn anh giữ giùm phân nửa?

Tháng Giêng và anh vươn vai mở cửa
Trời trên cao,em cũng ở trên cao
Tháng Giêng cho anh một nụ hoa đào
Anh gởi cho em một trời mộng tưởng..

Bài hát đó mang cho anh hò hẹn
Em nhớ mang vàng cho cúc ,ngọc cho lan
Mang cầu vồng cho khoảnh khắc mưa tan
Và một chút vai em cho huệ trắng

Tháng Giêng và anh rủ nhau ngồi dưới phố
Tô môi hồng xin nhớ cánh sen non
Tháng Giêng chờ một chút lượng Xuân em
Nụ cười đó anh chờ Xuân vĩnh viễn

Tháng Giêng và anh rủ nhau châm điếu thuốc
Điếu thuốc đầu năm và điếu thuốc đầu ngày
Vòng khói tròn khuyên phía trái,bên tai
Tà áo em có nhánh cười trong vũ điệu

Tháng Giêng và anh rót đầy trong ly rượu
Một góc trời âu yếm,khúc Bolsa
Mơ cuộn tròn trong tám chữ mây qua
Khi em tới lượn vòng trên mái tóc.....


Nguyên Sa Trần Bích Lan

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2010

TẾT CANH DẦN 2010 TẠI ÚC CHÂU



DƯA HẤU HÌNH THÁI ĐẶC BIỆT





XIN ANH MỘT LỜI HỨA

Xuân nầy nếu anh về quê ăn Tết
Còn thương em xin anh hứa một lời
Thương phế binh còn khổ lắm anh ơi !

Tìm thăm họ, nói đôi lời an ủi

Họ không trách anh, nhưng em thấy tủi
Nhớ ngày nào vì đất nước tang thương
Họ theo anh trên khắp các chiến trường
Cùng chia xẻ cảnh dầm sương dãi nắng .


Họ chiến đấu không vì riêng thù hận
Nhưng vì muốn giử nước chống xâm lăng
Cứu dân Nam khỏi cộng phỉ bạo tàn
Gây thảm cảnh nước tan nhà cửa nát .


Từ Lai-Châu núi rừng cao bát ngát
Từ Thái-Bình, Phủ-Lý, Vĩnh- Phúc-Yên
Từ sông Gianh và từ Bình-Trị-Thiên
Anh mang họ đến Cà-Mâu, Rạch-Giá .


Đời chiến binh trải qua nhiều nghiệt ngã
Anh lưu vong họ cũng chả vui gì
Vì thương binh đành im lặng đợi thì
Mong gặp bạn mừng nâng ly tái ngộ.


Đừng áo gấm về làng đi dạo phố
Hay nâng ly trong lữ quán năm sao
Mà nỡ quên cựu chiến sĩ, đồng bào
Đang thống khổ bởi cộng Hồ thổ phỉ


Tìm thăm họ không vì bất đắc dĩ
Mà vì nặng tình huynh đệ chi binh
Yêu tổ quốc nên họ đã hy sinh
Một nửa phần tay chân cho dân tộc .


Họ là những thương phế binh bất khuất
Là anh hùng, là chiến sĩ hiên ngang
Như quân Nam chiến thắng Bạch Đằng Giang
Là con cháu của Hùng vương lập quốc .


Nhớ nghe anh nếu còn thương Việt tộc
Còn biết hờn, biết nhục mất quê hương
Thì giúp dân diệt công sản bất lương
Xây dựng nước phú cường dân chủ trị ./.


** Không biết tên tác giả.
** Nhận từ một thân hữu..…

Fr: Kiet Nguyen Seattle, WA

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2010

THẾ VẬN MÙA ĐÔNG TẠI VANCOUVER VỚI CỜ VÀNG


Ta đi trong tuyết ươm hơi lạnh
Mà lửa từ tim vẫn nhóm hồng
Với lá quốc kỳ trên ngực áo
Ta thấy còn hơi ấm non sông!




Thứ Ba, 9 tháng 2, 2010

THƠ CHÚC XUÂN

Tết đến Xuân về pháo nổ ran,
Chúc Xuân Phước Lộc Thọ ngập tràn,
Cành mai vui đón mừng Xuân mới,
Bánh ,mứt ,rượu,trà,nhạc vang vang.

Thiên Thanh

NHỚ MẸ ĐÊM XUÂN


Xuân về chạnh nhớ bóng quê
Bao năm xa xứ chưa về làng xưa
Nhớ hoài những buổi chiều mưa
Tan trường mẹ vẫn đón đưa đứng chờ

Đêm nằm thấy mẹ trong mơ
Hao gầy ánh mắt mẹ chờ mẹ trông!
Tha phương chia cách nghìn trùng
Từng đêm sương lạnh gieo lòng khổ đau

Thương con mẹ khóc đêm thâu
Chờ con mòn mõi nỗi sầu chứa chan
Xuân sang hạ đến đông tàn
Con chưa về được ngút ngàn nhớ thương

Nhìn làn tuyết trắng con đường
Nhớ hoài mái tóc điểm sương mẹ hiền
Xuân về hoa lại giăng thềm
Thêm mùa mai nở tháng Giêng ngả buồn

Võ thị Tuyết
Xuân 2010



ĐÊM XUÂN NHỚ MẸ
Đêm qua trong giấc ngủ
Con mơ về quê xưa
Rong chơi dưới bóng dừa

Đêm qua trong giấc mơ
Lang thang trên phố chợ
Nhìn Xuân tràn muôn lối
Mà nghe tim bồi hồi

Ôi Mẹ hiền ơi!
Mùa Xuân nơi xứ người
Là Đông tàn hiu hắt
Là sương tuyết mù khơi

Ôi Mẹ hiền ơi!
Chiều nay nơi xứ người
Hồn con là mây xám
Buồn biết bao giờ nguôi

Con mơ về đất Mẹ
Tìm bóng mát dừa cao
Tìm khung trời mây trắng
Tìm tuổi thơ năm nào

Con mơ về dòng sông
Chảy xuôi qua ruộng đồng
Và mơ ngày tươi sáng
Mẹ không còn ngóng trông.

LÊ VĂN CHIẾU
( Lancaster, PA Xuân 1990 )

CHÚC XUÂN

Hoa tươi , bánh mứt,tràn ly rượu,
Nhạc đón tưng bừng,vui pháo hoa,
Mâm cao ngũ quả ,mừng Xuân lại,
Đôi liễn dâng đầy, cung chúc an!

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2010

NGÀY XUÂN Ở QUÁN


Con gái mùa xuân như mới tắm
Buổi mai sương ướt cỏ hoa ngời
Lòng đá chợt mềm chao rất nhẹ
Nhớ mình vừa vượt tuổi bốn mươi

Năm nay ăn tết cùng ông Quán
Mồng một đời cay miếng mứt gừng
Chén rượu ngày xuân sao đắng miệng
Giang hồ nghe cũng đã mỏi chân.

Vẫn đi như một anh hành khất
Đuối sức nhưng quê đâu mà về
Ta sống một đời mây nhuốm bệnh
Bồng bềnh sầu đụn mấy sơn khê

Sáng nay nghe pháo ran ngoài phố
Ngòi pháo đời ta cũng cháy ngầm
Thấy gái xuân tươi lòng cũng thẹn
Chuồn chuồn xếp cánh đậu bâng khuâng

Vũ Hữu Định